top of page

Đoàn công tác VBF tham dự Khóa tập huấn tại Nhật Bản từ 8 đến 17/12/2019

Writer's picture: Liên đoàn Luật sư VNLiên đoàn Luật sư VN

ĐIỂM NHẤN TỪ TỔ CHỨC, PHẠM VI VÀ KỸ NĂNG HÀNH NGHỀ CỦA LUẬT SƯ TẠI NHẬT BẢN


Thực hiện kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2019 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) đã được phê duyệt, VBF vừa cử 01 Đoàn công tác tham dự Khóa đào tạo tại Nhật Bản từ ngày 8 đến 17/12/2019 với sự tài trợ của tổ chức JICA trong khuôn khổ Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020”. Đoàn gồm 15 người do Luật sư Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch VBF làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của một số Chủ nhiệm mới được bầu của các Đoàn Luật sư tỉnh Sơn La, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Thừa Thiên- Huế, Tây Ninh, Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư, đại diện Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư Việt Nam và đại diện Văn phòng Liên đoàn.



Các thành viên Đoàn công tác VBF tại trụ sở JFBA vào chiều ngày 9/12/2019


Biểu hiện sâu sắc của mối quan hệ hợp tác giữa VBF và JFBA:

Có thể nói rằng, kể từ khi được thành lập đã hơn 10 năm đến nay, VBF có mối quan hệ hợp tác cả chiều sâu và chiều rộng với tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Liên hội Luật sư Nhật Bản (JBFA). Hàng năm, Dự án JICA tổ chức và đài thọ toàn bộ các chi phí liên quan cho Đoàn công tác VBF để tham dự các khóa đào tạo với các chủ đề khác nhau trong khuôn khổ Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật tới năm 2020”.



Luật sư Kikuchu Yutaro- Chủ tịch JBFA đã tiếp chính thức và chào mừng Đoàn công tác VBF đến thăm và làm việc tại trụ sở JBFA ở thủ đô Tokyo chiều 9/12/2019


Vào chiều 9/12/2019, Luật sư Kikuchu Yutaro- Chủ tịch JBFA đã tiếp chính thức và chào mừng Đoàn công tác VBF đến thăm và làm việc tại trụ sở JBFA ở thủ đô Tokyo, ghi nhận kết quả to lớn trong quan hệ hợp tác giữa VBF và JBFA trong 10 năm qua. Ông Chủ tịch đánh giá mối quan hệ này như tình anh em giữa các đồng nghiệp luật sư hai nước, mong muốn hướng đến việc phụng sự công lý, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, bảo vệ quyền con người và thượng tôn pháp luật.

Về phần mình, Trưởng đoàn công tác VBF đã cám ơn thịnh tình và sự đón tiếp trọng thị của ông Chủ tịch JBFA, đồng thời giới thiệu những kết quả trong tổ chức và hoạt động của VBF sau 10 năm thành lập. VBF ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của Dự án JICA và JBFA, nhất là trong các dự án đóng góp xây dựng và hoàn thiện pháp luật, trong đó liên quan đến việc hoàn thiện và vận hành các quy chế nội bộ của VBF. Đặc biệt là sự hỗ trợ, góp ý kinh nghiệm để xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc đạo dức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (sửa đổi) vừa được Hội đồng luật sư toàn quốc thông qua cuối năm 2019 và góp ý dự thảo sửa đổi Điều lệ VBF chuẩn bị trình Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III vào năm 2020. Nhân dịp này, Đoàn công tác đã trao tặng bộ 03 tập Sổ tay Luật sư do Nhà xuất bản chính trị quốc gia ấn hành với sự hợp tác, hỗ trợ của Dự án JICA.


Các luật sư thuộc Ủy ban hợp tác quốc tế JFBA trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp Việt Nam


Thông qua chủ đề Khóa đào tạo đã được hai bên thống nhất, các thành viên Đoàn công tác VBF và các Chủ nhiệm mới được bầu của một số Đoàn Luật sư địa phương có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của JBFA, quan hệ giữa JBFA với các Hội luật sư địa phương tại Nhật Bản. Chiều cùng ngày, Luật sư Idei Naoki, Tổng thư ký JBFA đã giới thiệu về tổ chức, cơ cấu Ban điều hành, các Ủy ban và hoạt động của JBFA, với số lượng luật sư đến nay có trên 400.000 luật sư/120 triệu dân. Nhiệm kỳ Chủ tịch JBFA là 02 năm (được bầu trên cơ sở ít nhất 18 Đoàn Luật sư địa phương đề cử, có số phiếu bầu cao nhất), các Phó Chủ tịch là 01 năm. JBFA là tổ chức nghề nghiệp luật sư hoạt động độc lập trong quan hệ với Bộ Tư pháp, đóng góp nhiều cho quá trình hình thành các đạo luật trình Quốc hội Nhật Bản thông qua.

Cùng với việc giới thiệu mô hình tổ chức và hoạt động của VBF, các thành viên trong Đoàn công tác đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của các Ủy ban thuộc JBFA. Trong cuộc gặp này, phía VBF đề xuất từ kinh nghiệm của Nhật Bản, mong muốn JICA và JBFA hỗ trợ để VBF tổ chức xây dựng đề cương và biên soạn cuốn Bình luận Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, được phía bạn ghi nhận và có thể đưa vào chương trình hợp tác sắp tới.


Ông Oba Ryotaro- Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển pháp luật tiếp Đoàn công tác VBF tại trụ sở Bộ Tư pháp Nhật Bản


Vào chiều ngày 16/12/2019, Đoàn công tác VBF đã đến thăm và làm việc với Viện nghiên cứu phát triển pháp luật Bộ Tư pháp Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Đoàn công tác VBF có cuộc tiếp kiến và làm việc ông Oba Ryotaro- Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển pháp luật Bộ Tư pháp Nhật Bản. Theo ông Oba, JBFA hoàn toàn độc lập trong mối quan hệ với Bộ Tư pháp, tham gia tích cực trong quá trình đề xuất, góp ý các dự án Luật.

Về phần mình, Trưởng đoàn công tác VBF đã thông tin về những kết quả trong thực hiện chủ trương và chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta, đóng góp của VBF trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế vận hành nhằm nâng cao năng lực tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đội ngũ luật sư, tăng cường mối quan hệ phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng… Sau buổi làm việc, ông Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật Bộ Tư pháp đã đề nghị thông qua Dự án JICA sẽ dịch báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động của VBF sang tiếng Nhật để đưa lên trang Web của Bộ Tư pháp và JBFA.


Từ trụ sở Bộ Tư pháp Nhật Bản, nhìn ra góc phố Tokyo… (ảnh: Hoài Phan)


Một số chuyên đề mới về kỹ năng hành nghề thu hút sự quan tâm của các đồng nghiệp Việt Nam Trong chuyến công tác lần này, VBF đã chủ động đề xuất chương trình và một số chuyên đề tập huấn nhằm học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và kỹ năng hành nghề của luật sư trong một số lĩnh vực mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 của Việt Nam.


Luật sư Tani Masato giới thiệu với Đoàn công tác chuyên đề “Cách sử dụng án lệ trong công việc thực tế của Luật sư Nhật Bản”


- Luật sư Tani Masato có thời gian làm Thẩm phán tối cao tại Nhật Bản là một trong những chuyên gia hàng đầu đã giới thiệu với Đoàn công tác chuyên đề “Cách sử dụng án lệ trong công việc thực tế của Luật sư Nhật Bản”. Đây là chuyên đề rất hữu ích đối với luật sư Việt Nam khi án lệ đã được thừa nhận (Hội đồng Thẩm phán TATC Việt Nam đã ban hành 29 án lệ). Đoàn VBF cũng đã trao đổi vai trò và sự tham gia của giới luật sư Việt Nam, cũng như đại diện của VBF tại Hội đồng tư vấn án lệ quốc gia trong việc cung cấp nguồn án lệ, góp ý, tư vấn để hình thành được những án lệ có chất lượng.

- Luật sư Hiranuma Takahanu đã giới thiệu chuyên đề “bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư”. Khác với Việt Nam, ở Nhật Bản không quy định việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư là bắt buộc. Tuy nhiên, phạm vi, hình thức và trách nhiệm bối thường của luật sư trong hành nghề lại được quy định rất chặt chẽ và chi tiết. Đoàn công tác cũng đã chia sẻ về một số vướng mắc hiện nay trong quy định pháp luật Việt Nam (Luật Luật sư và Luật kinh doanh bảo hiểm) và đề xuất hướng giải quyết hiện nay của Bộ Tư pháp trong việc kiến nghị sửa đổi xung đột pháp luật.


Các thành viên Đoàn công tác VBF nghe các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm hành nghề luật sư


- Kiểm sát viên cao cấp Morinaga Taro có quá trình hành nghề gần 40 năm, tham gia nhiều Dự án hỗ trợ Việt Nam đã giới thiệu chuyên đề “Biện pháp tố tụng điều tra đặc biệt- chứng cứ điện tử- trách nhiệm hình sự của pháp nhân”. Đây là những nội dung rất mới trong Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, nên chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu đặc điểm mô hình tố tụng hình sự Nhật Bản, các vấn đề đặc thù trong biện pháp tố tụng điều tra đặc biệt bao gồm nghe lén điện thoại- giao hàng có kiểm soát- thu thập và xử lý chứng cứ điện tử, đồng thời cho thấy những vấn đề nảy sinh từ việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân tại Nhật Bản.

Các buổi giới thiệu chuyên đề của các chuyên gia Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của các thành viên Đoàn công tác VBF. Hai bên đã trao đổi thắng thắn những vấn đề nảy sinh trong nhận thức và kinh nghiệm, kỹ năng hành nghề trong điều kiện khác biệt về mức độ phát triển nghề luật sư, cũng như môi trường pháp lý và điều kiện kinh tế- xã hội giữa hai quốc gia.

Mô hình tổ chức và quản lý, điều hành của Hội luật sư tỉnh Yamanashi:

Theo kế hoạch, Đoàn công tác VBF dự kiến tìm hiểu tổ chức và hoạt động của Hội Luật sư tỉnh Yamanashi, kinh nghiệm bào chữa vụ án hình sự và tham dự một phiên tòa hình sự tại Tòa án tỉnh Yamnashi, dự các chuyên đề giới thiệu về Trung tâm tư vấn pháp luật Nhật Bản, kinh nghiệm quảng bá truyền thông và hoạt động tranh tụng, tư vấn của một số tổ chức hành nghề luật sư tại tỉnh Yamanashi.


Luật sư Yoshizawa Koji - Chủ tịch Hội luật sư Yamanashi trực tiếp giới thiệu với Đoàn công tác VBF về tổ chức và hoạt động của Hội luật sư tỉnh Yamanashi.


Vào chiều ngày 12/12/2019, Đoàn công tác VBF đã đến thăm và làm việc với Ban điều hành Hội Luật sư tỉnh Yamanashi tại Thành phố Kofu, địa phương nơi có núi Phú Sỹ nổi tiếng là biểu tượng của Nhật Bản. Luật sư Yoshizawa Koji là Chủ tịch Hội luật sư Yamanashi cùng 4 Phó Chủ tịch Hội đã đón tiếp trọng thị Đoàn công tác VBF, giới thiệu chi tiết về tổ chức và hoạt động của một Hội luật sư địa phương có 128 luật sư, quy mô nhỏ so với 03 Hội luật sư tại Tokyo. Các luật sư là Chủ nhiệm một số Đoàn Luật sư mới được bầu ở Việt Nam đã trao đổi chi tiết nhiều nội dung liên quan đến tổ chức và phương thức hoạt động, cơ chế và cách thức thu phí thành viên, cùng các hoạt động luật sư trực ban, tư vấn pháp luật cho người nghèo, bào chữa hình sự và công tác truyền thông.


Luật sư Phan Trung Hoài tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Hội luật sư tỉnh Yamanashi


Tại trụ sở Hội luật sư tỉnh Yamanashi, Luật sư Muto Takaharu giới thiệu về hoạt động của Ủy ban đối sách vấn đề tự sát do nghèo ở địa phương; luật sư Nakamura Kotaro giới thiệu về những biện pháp đặc biệt của Hội luật sư về bào chữa hình sự; luật sư Onishi Tatsuya giới thiệu về hoạt động của Ủy ban vận hành trung tâm hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật; luật sư Oyama Koji giới thiệu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật Nhật Bản.


Từ trên đỉnh núi Kofu nhìn về núi Fuji bị mây che mờ…(ảnh: Hoài Phan)


Đoàn công tác VBF đã tham dự một phiên tòa hình sự tại Tòa án tỉnh Yamanashi xét xử vụ án mua bán chất ma túy, được giới thiệu về mô hình phòng xử án, chứng kiến cách thức và quy trình tố tụng, kỹ năng hành nghề của công tố và luật sư Nhật Bản tại phiên tòa. Qua phiên tòa, cho thấy tố tụng hình sự Nhật Bản giao thoa giữa mô hình thẩm vấn và mô hình tranh tụng, Thẩm phán không được nghiên cứu hồ sơ trước, chỉ sau khi tranh tụng mới quyết định bản án. Các thành viên trong Đoàn đã đặt nhiều câu hỏi về vị trí, vai trò của luật sư Nhật Bản trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự, nhất là đánh giá của Thẩm phán về phán quyết có được xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, cơ chế tham gia của các Tòa án viên (tương tự như Hội thẩm nhân dân ở Việt Nam) đối với các vụ án nghiêm trọng…

Trong buổi tối tiếp đón trọng thị của Chủ tịch Hội luật sư cùng các luật sư tại tỉnh Yamanashi, các bạn rất quan tâm đến việc mong muốn thiết lập và mở rộng quan hệ quốc tế với một số Đoàn Luật sư ở Việt Nam như Kiên Giang và Nghệ An. Chủ nhiệm các Đoàn luật sư nói trên đã ghi nhận thiện chí và sẽ báo cáo VBF và cơ quan có thẩm quyền để xem xét khả năng thiết lập mối quan hệ hợp tác nói trên với Hội luật sư tỉnh Yamanashi. Đoàn công tác cũng đã tham quan và học tập kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động hành nghề tại Văn phòng luật Himawari và Văn phòng kế toán- luật Nagoya.

Trước khi hoàn thành chương trình công tác, theo thường lệ, Đoàn công tác VBF đã đến chào xã giao ông Vũ Hồng Nam- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản. Thay mặt Đoàn công tác, Luật sư Phan Trung Hoài đã báo cáo một số kết quả hoạt động trong 10 năm thành lập VBF, thông tin về mối quan hệ và kết quả hợp tác quốc tế giữa VBF và JFBA cũng như sự hỗ trợ có hiệu quả của Dự án JICA đối với sự phát triển của VBF và nhiều Đoàn Luật sư địa phương. Các thành viên Đoàn công tác đã đến thắp hương tại Bàn thờ Bác Hồ trong trụ sở của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Thông qua kết quả Khóa tập huấn, có thể khẳng định nội dung tập huấn và chương trình làm việc, giao lưu của Đoàn công tác VBF là phù hợp với nhu cầu học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, đặc biệt là chuyên đề về án lệ, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư, biện pháp tố tụng điều tra đặc biệt, chứng cứ điện tử và truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân.


Ông Vũ Hồng Nam- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tạu Nhật Bản (đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Đoàn công tác VBF


Các thành viên VBF, đặc biệt là các Chủ nhiệm Đoàn Luật sư mới được bầu đã rất quan tâm đến mô hình tổ chức và cách thức hoạt động của JBFA và Hội luật sư tỉnh Yamanashi. Nét mới của khóa tập huấn này là Trưởng đoàn công tác có báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của VBF và những thành tựu đạt được trong mối quan hệ giữa VBF với JBFA và Dự án JICA, cũng như lần đầu tiên Đoàn công tác VBF thăm và làm việc với Viện nghiên cứu phát triển pháp luật Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Qua chuyến công tác, có thể khẳng định vị thế và vai trò củaVBF đã được ghi nhận và nâng cao một bước, hoàn thành các mục tiêu của Khóa tập huấn đề ra. Các thông tin trao đổi hai chiều đã được các đồng nghiệp Nhật Bản hết sức quan tâm, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên cơ sở bình đẳng, vì mục tiêu phát triển hoạt động nghề nghiệp luật sư giữa hai nước và quốc tế.


Những giây phút hiếm hoi trong ngày nghỉ cuối tuần của các thành viên Đoàn công tác


Rời sân bay quốc tế Narita (Tokyo) vào sáng 17/12/2019, các thành viên Đoàn công tác VBF vẫn giữ trong tim tình cảm nồng ấm và sự tiếp đón trọng thị, chu đáo của các bạn đồng nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh việc tiếp thu một số kinh nghiệm hữu ích mà các đồng nghiệp Nhật Bản chia sẻ để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam, các tân Chủ nhiệm mới một số Đoàn Luật sư đã đặc biệt chú tâm đến vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay là nhận thức đúng đắn về trách nhiệm và tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp luật sư, cách thức điều hành hoạt động của tổ chức xã hội- nghề nghiệp, cũng như chú trọng vấn đề đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư trẻ. Ngoài ra, vấn đề tăng cường vai trò quản lý nhà nước về hành nghề luật sư và nâng cao năng lực tự quản của VBF và các Đoàn Luật sư địa phương cũng cần được quan tâm, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng có liên quan.


Đỉnh núi Fuji phủ đầy tuyết trắng nhìn từ đường cao tốc… (ảnh: Hoài Phan)


NGỌC HẠNH- NGỌC NINH tổng hợp

246 views0 comments

Comentários


bottom of page