Đúng 10 giờ ngày 18/9/2017 (giờ Tokyo), Hội nghị thường niên lần thứ 30 của Hiệp hội Luật châu Á - Thái Bình Dương (LAWASIA) đã long trọng khai mạc. Hội nghị do Liên hội Luật sư Nhật Bản (JFBA) phối hợp với Đoàn Luật sư Tokyo đăng cai tổ chức.
Tham dự hội nghị lần này có hơn 400 đại biểu gồm các luật gia, luật sư, chuyên gia pháp luật, doanh nhân…, trong đó có trên 300 luật sư, luật gia đến từ các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là thành viên của Lawasia. Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị có Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng đoàn đại biểu Tòa án nhân dân tối cao; LS. TS. Đỗ Ngọc Thịnh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam dẫn đầu Đoàn Công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Với chủ đề “Bước nhảy vọt trong lĩnh vực pháp quyền”, các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 30 đã nghe đại diện Ban tổ chức báo cáo hoạt động thường niên, đánh giá quá trình hoạt động của Lawasia trong thời gian qua, điểm một số lĩnh vực mà Lawasia tập trung và giữ vai trò điều phối như quyền trẻ em, luật hôn nhân gia đình, quyền con người, luật lao động, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, đầu tư trực tiếp nước ngoài, sở hữu trí tuệ…
Hội nghị cũng là dịp để các lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các tổ chức luật sư, luật gia, lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia pháp lý độc lập trong toàn khu vực châu Á- Thái Bình Dương tiến hành thảo luận, chia sẻ kinh nghiệp hoạt động, những vấn đề trong lĩnh vực pháp luật như hành nghề trong lĩnh vực tư pháp, giáo dục pháp luật và giải quyết tranh chấp xuyên biên giới…
Nhiều ý tưởng tiến bộ đã được các đại biểu tới từ các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ, nhất là kinh nghiệm xây dựng các mạng lưới chuyên nghiệp, thúc đẩy vấn đề pháp quyền, phổ biến và mở rộng nghề luật trong toàn khu vực. Đặc biệt, Ban tổ chức Hội nghị khuyến khích và kêu gọi các đại biểu quan tâm và phổ biến tới tất cả các thành viên thuộc tổ chức của mình đề cao tầm quan trọng của nghề luật, coi đó là một trong những động lực, mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của xã hội, là cách thức tiếp cận và giao lưu giữa các tổ chức nghề luật trong toàn khu vực, từ đó cùng hình thành và đạt được nhận thức chung về các vấn đề pháp lý khu vực và quốc tế, tiến tới cùng nhau chia sẻ và giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hài hòa, trên cơ sở ý chí, nguyện vọng và luật pháp quốc tế.
Trao đổi bên lề Hội nghị, Chủ tịch Lawasia Prashant Kumar đánh giá rất cao thiện chí và sự hợp tác của Việt Nam nói chung, của Ngài Chánh án tối cao Việt Nam và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nói riêng. Ông Chủ tịch Lawasia nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ 30 này có một chương trình làm việc đa dạng và thú vị, là cơ hội để những người hành nghề dịch vụ pháp lý, các đối tác từ nhiều nước có hệ thống pháp luật khác nhau cùng giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực ngày càng mạnh mẽ.
Được thành lập vào ngày 10/8/1966 tại Australia, Hiệp hội Luật châu Á - Thái Bình Dương là một tổ chức quốc tế của các hiệp hội luật sư, thẩm phán, các cơ quan tổ chức nghiên cứu pháp lý và những thành viên khác quan tâm và có lợi ích trong lĩnh vực hành nghề pháp lý tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ quan cao nhất của Hiệp hội Luật châu Á - Thái Bình Dương là Hội đồng Hiệp hội Luật châu Á - Thái Bình Dương bao gồm đại diện của các tổ chức luật sư tại 27 quốc gia và trên 1.500 thành viên tổ chức, cá nhân đến từ hơn 50 quốc gia trong khu vực và thế giới. Mục tiêu của Hiệp hội Luật châu Á - Thái Bình Dương là thúc đẩy các mối quan hệ nghề nghiệp và hành nghề giữa các luật sư, các doanh nghiệp và đại diện các cơ quan chính phủ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Luật sư Vũ Xuân Nam và Hồ Mai Huy gửi từ Tokyo, Nhật Bản
Comments