top of page

Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam - Yếu tố con người

Writer's picture: Liên đoàn Luật sư VNLiên đoàn Luật sư VN

Sáng ngày 2.10.2020 tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) tổ chức Hội thảo “Phổ biến, triển khai thi hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”.

Chương trình được thực hiện trong khuôn khổ: Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu (EU JULE) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ. Tham dự hội thảo có, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; bà Sitara Syed, Phó Đại diện thường trú UNDP Việt Nam; bà Audrey-Anne ROCHELEMAGNE, Tùy viên, Phòng Quản trị và Pháp quyền, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng – kỷ luật của các Đoàn Luật sư.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh:

“Lịch sử phát triển nghề Luật sư trên thế giới và ở Việt Nam đều cho thấy: nền tảng căn bản nhất để xây dựng và phát triển nghề nghiệp Luật sư là phải thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả nhất. Yêu cầu đó đòi hỏi người mới vào nghề cũng như người hành nghề lâu năm, vài chục năm khi ứng xử đều phải giống nhau về nội dung và tinh thần đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy, người dân mới tin vào Luật sư, nghề Luật sư. Để làm được những yêu cầu như vậy với cả đội ngũ Luật sư là việc không phải dễ và không thể nhanh chóng trong một vài năm mà có thể mất tới hàng chục năm đến cả trăm năm thì mới tạo lập được sự tin cậy của xã hội với nghề Luật sư”.

Theo Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: “Bộ Quy tắc sửa đổi có nhiều quy tắc mới, quy định rõ và cụ thể hơn về những vấn đề đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam trong quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong bối cảnh cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Việt Nam”.

Bộ Qui tắc (cũ) do Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua ngày 20/7/2011 theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ là cơ sở xây dựng các giá trị chuẩn mực về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đã bộc lộ những bất cập, hạn chế về nội dung chưa rõ ràng còn chung chung… Khắc phục những bất cập, vướng mắc sau hơn 9 năm thực hiện, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy cần phải có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thay đổi của đời sống kinh tế xã hội và yêu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư. Tháng 12/2019, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam sửa đổi. Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam năm 2019 gồm 6 chương, 32 quy tắc. Quy tắc mới được ban hành theo Quyết định số 201/QĐ- HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Sitara Syed, cho rằng, ở bất kỳ quốc gia nào, luật sư luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp quyền và bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho công dân. Việc tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam sẽ hỗ trợ luật sư thực thi sứ mệnh bảo vệ quyền con người và lợi ích của khách hàng, bảo đảm tính độc lập tư pháp, góp phần bảo vệ công lý cho người dân. Đánh giá về tầm quan trọng của Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, bà Sitara Syed, Phó Đại diện thường trú UNDP Việt Nam đề xuất: UNDP luôn đồng hành cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc tổ chức các buổi trực tuyến bồi dưỡng, thảo luận cho các luật sư và cấp chứng chỉ.

Tại hội thảo, đại diện các đoàn luật sư đều thống nhất với nội dung Bộ Quy tắc và đề nghị: Bộ Quy tắc cần sớm được tổ chức triển khai sâu rộng đến các thành viên ngay tại các Đoàn luật sư với nhiều hình thức. Kết quả thu hoạch sẽ được gửi về Liên đoàn Luật sư Việt Nam để tổng hợp và có chỉ đạo thực hiện triển khai thống nhất trong cả nước./.

Một số hình ảnh tại Hội thảo













422 views0 comments

Comentarios


bottom of page