top of page

Phát biểu Thường trực LĐLSVN trong buổi tọa đàm về nguyên tắc thượng tôn pháp luật và phát triển KT

Writer's picture: LiendoanLuatsuVietnamLiendoanLuatsuVietnam

Thưa các quý vị đại biểu cùng các luật sư đồng nghiệp,

Năm 2015, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hiệp hội doanh nhân Anh quốc tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức thành công Tọa đàm về vụ án bào chữa của Luật sư  Loseby cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tiếp nối sự thành công này, hôm nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp tục phối hợp với Hiệp hội doanh nhân Anh quốc tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm về nguyên tắc thượng tôn pháp luật và phát triển kinh tế.

Tư tưởng về thượng tôn pháp luật đã xuất hiện rất sớm tại Việt Nam Đức vua Lê Thánh Tông thế kỷ XV đã nói  “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”.

Tư tưởng này cũng được thể hiện rất rõ trong tư tưởng lập pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1919, trong bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi tới Hội nghị Versaile, Nguyễn Ái Quốc đã yêu cầu phải "thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật". Đến năm 1922, Người đã khái quát, thể hiện quan điểm của mình trong bài "Việt Nam yêu cầu ca": "Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền".

Thượng tôn pháp luật là thượng tôn lẽ phải, lẽ công bằng và công lý, là không có ai đứng bên trên pháp luật và cũng không có ai không được pháp luật bảo vệ. Sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật chính là động lực phát triển của một đất nước và là bản chất của một nền dân chủ. Nguyên tắc thượng tôn pháp luật được các tiền nhân đặt ra đến nay vẫn có giá trị. Đó là tiêu chí căn bản nhất của một nhà nước pháp quyền. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại bài phát biểu nhậm chức của mình vào tháng 5/2016 cũng đã đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật: “Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá; kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin cho; thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; quyết liệt phòng chống tham ô, lãng phí và nhũng nhiễu người dân. Khi có sai phạm, dù bất kể cấp nào cũng phải làm rõ trách nhiệm và xử phạt nghiêm minh”.

Đất nước ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, pháp luật ngày càng đóng vai trò quan trọng, là cơ sở xác lập quyền, nghĩa vụ công dân, là công cụ quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  

Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia Cộng đồng ASEAN, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn, các khối kinh tế toàn cầu, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... đang mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng cạnh tranh ngày càng gay gắt. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao, với một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh, bền vững và ngược lại. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tích cực hơn nữa trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và đẩy mạnh triển khai thực hành Hiến pháp, đảm bảo dân chủ, pháp quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật là con đường để Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, thịnh vượng, trong đó luật sư sẽ đóng vai trò quan trọng không thể thiếu được trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Với tư cách là những người hiểu biết pháp luật, bên cạnh đóng góp vào quá trình xây dựng pháp luật, luật sư còn giúp đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được thực hiện đúng pháp luật, giúp cho người dân hiểu biết, nhận thức và thực thi pháp luật, góp phần thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Tại buổi Tọa đàm ngày hôm nay, chúng ta sẽ được lắng nghe những chia sẻ của Ngài Michael Moore về khái niệm nguyên tắc thượng tôn pháp luật và các quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa Nguyên tắc thượng tôn và pháp luật và phát triển kinh tế đồng thời cùng nhau thảo luận về vai trò của luật sư đối với việc phát triển Nguyên tắc này.

Thay mặt Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam chúng tôi xin cảm ơn Hiệp hội doanh nhân Anh Quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Ngài Michael Moore đã phối hợp với Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức Tọa đàm ngày hôm nay.

Xin được chúc cuộc tọa đàm thành công với nhiều ý nghĩa, sâu sắc, lan tỏa về giá trị đích thực của nghề luật sư trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền và bảo vệ công lý trong quá khứ và tương lai trên thế giới và ở Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn.

VP

9 views0 comments

Comments


bottom of page