top of page

Một vài cảm nghĩ về chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản

Writer's picture: LiendoanLuatsuVietnamLiendoanLuatsuVietnam

Thực hiện Quyết định số 175/QĐ-LĐLSVN ngày 07/02/2018 của Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chúng tôi đã có chuyến công tác tại Nhật Bản, tham dự Khóa đào tạo về “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020”.


Tàu bay hạ cánh xuống sân bay vào sáng Chủ nhật nên chúng tôi có chút thời gian làm quen và tìm hiểu đôi chút về con người và đất nước Nhật Bản trước khi bước vào ngày làm việc đầu tiên.


Chúng tôi, ai ai cũng cảm nhận một cách rõ nét tính cách con người Nhật Bản ngay từ lúc đặt chân xuống sân bay Narita, Tokyo. Sự chỉnh chu, nhiệt tình, hiếu khách đã làm chúng tôi vô cùng cảm kích. Khi ở Việt Nam, chúng tôi biết Nhật Bản là một nước có dân số già nhưng sang đây chúng tôi mới thực sự cảm nhận một cách rõ nét nhất. Trong sân bay, rất nhiều nhân viên hải quan tóc đã điểm bạc mà thông thường những vị trí đó sẽ do người trẻ tuổi đảm nhiệm.


Chủ tịch LĐLS Nhật Bản (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với Đoàn công tác LĐLSVN
Chủ tịch LĐLS Nhật Bản (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với Đoàn công tác LĐLSVN

một số hoạt động của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản

Đưa chúng tôi về trụ sở của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 3 xe taxi. Điều ngạc nhiên của cả đoàn công tác là các bác tài xế đều đã già mà có lẽ đều ở độ tuổi trên dưới 70. Người phiên dịch cho biết ở Nhật sau khi về hưu, nhiều người vẫn muốn đi làm. Có những người từng là vụ phó, vụ trưởng sau khi nghỉ hưu nhưng cũng đi làm thêm. Thu nhập không phải là vấn đề mà cái chính là để họ cảm thấy mình được cống hiến, làm những điều có ích cho xã hội và họ hãnh diện vì điều đó.


Ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã biết con người Nhật Bản nổi tiếng chăm chỉ (chăm đến mức khi hết giờ làm thì công sở phải rung chuông nhắc mọi người ra về nếu không sẽ rất nhiều người ở lại làm việc cho đến tối muộn) nhưng sang đến đây thì biết thêm rằng bên cạnh sự chăm chỉ ấy là tính nhân văn của con người Nhật Bản. Mọi người cùng hăng say làm việc vì sự tiến bộ, phát triển của Nhật Bản. Có lẽ, đây là một trong những lý do vì sao Nhật Bản trở thành một cường quốc.


Đoàn công tác LĐLSVN chụp chung với đại diện LĐLS Nhật Bản
Đoàn công tác LĐLSVN chụp chung với đại diện LĐLS Nhật Bản

Tiếp đến, khi cho hành lý lên xe, đều rất nặng bởi chuyến đi dài ngày nên ai cũng mang nhiều tư trang nhưng các bác tài xế nhất định không để chúng tôi bê lên xe. Các luật sư thì không biết tiếng Nhật và theo phản xạ tự nhiên nói vội mấy câu tiếng Việt đồng thời bê hành lý lên xe thì lúc đó các bác tài mới cho chúng tôi làm cùng. Trong lòng chúng tôi cảm thấy có phần ái ngại nhưng với sự giải thích của người phiên dịch trước đó thì chúng tôi hiểu rằng mình làm thế thì tâm mình thoải mái nhưng chưa chắc đã là tốt. Có lẽ, vô tình chúng tôi đã lấy đi niềm vui mộc mạc và bình dị của các bác tài.


Xe về đến trụ sở JICA, mỗi chúng tôi được phát đồ dùng cá nhân cho những ngày sinh sống và làm việc ở đây. Tiếp đến là được hướng dẫn một cách ngắn gọn một số nội dung quan trọng trong khuôn viên trụ sở mà các học viên sẽ gặp phải. Sau đó mọi người nhận phòng, nghỉ ngơi, dùng bữa tại nhà ăn... để tích lũy năng lượng cho ngày làm việc chính thức vào hôm sau.


Trong ngày làm việc đầu tiên nhưng chúng đã nhận thấy sự chuyên nghiệp và khoa học trong cách làm việc của các chuyên gia JICA. Mỗi bàn làm việc đều được đánh số và có biển tên của mỗi luật sư Việt Nam. Tài liệu phát cho luật sư cũng được ghi họ tên đầy đủ cũng như các thông tin nhân thân khác. Do vậy, khi họ phát cho học viên thì không xảy ra bất kỳ sự nhầm lẫn nào. Các chuyên gia JICA đã hướng dẫn chúng tôi điền các phiếu thông tin như thẻ bảo hiểm y tế, thẻ ngân hàng nội bộ... Các chuyên gia đi từng bàn giúp đỡ và kiểm tra xem các luật sư đã khai, điền đúng chưa với thái độ hết sức thân thiện, vui vẻ.


Mặc dù là ngày đầu làm việc, nội dung khá đa dạng nhưng thời gian làm việc hoàn toàn trùng khớp với bản kế hoạch công tác mà chúng tôi được phát khi còn ở Việt Nam. Chúng tôi không thể không ngạc nhiên tại sao khối lượng công việc lớn, nhiều người thuyết trình mà kịch bản về thời gian lại chính xác đến vậy.


Trụ sở Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Tokyo
Trụ sở Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Tokyo

Sang buổi chiều, chúng tôi chính thức bước vào buổi học đầu tiên. Các chuyên gia đã khái quát cho chúng tôi về sự hình thành và phát triển của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, vai trò của Văn phòng Liên đoàn Luật sư Nhật Bản. Để có được những thành tựu như hiện nay, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản cũng trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng như những ngành khác ở Nhật Bản, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã có những bước phát triển thần kỳ, ngoạn mục. Đến nay, số lượng luật sư đã lên tới 38.870 người thuộc 52 Đoàn luật sư.


Có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như về mặt cơ cấu tổ chức bộ máy, quy chế gia nhập Liên đoàn, tư cách hội viên luật sư Nhật Bản, kỳ thi sát hạch để trở thành luật sư... và cũng có một số điểm khác biệt như trong Văn phòng Liên đoàn thì lại có các phòng trực thuộc như: Phòng thông tin, Phòng quốc tế, Phòng điều tra tư pháp, Phòng hỗ trợ bồi dưỡng, công tác...;  Chánh văn phòng được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ là 2 năm...


Sự tương đồng và khác biệt là điều đương nhiên bởi điều kiện kinh tế - xã hội của hai nước là khác nhau nhưng sự chia sẻ chân thành, thẳng thắn những kinh nghiệm hay để xây dựng Liên đoàn là điều chúng tôi rất trân trọng và tâm đắc.


Buổi tập huấn kết thúc, chúng tôi được dẫn đi tham quan thư viện, giảng đường đào tạo luật sư của Liên đoàn, trụ sở Đoàn luật sư Tokyo (trong cùng tòa nhà). Đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu, thân thiện, được nhắc đến những tình cảm, sự hợp tác tốt đẹp, hiệu quả và thực chất giữa Liên đoàn luật sư của hai nước.


Sau một ngày làm việc với khối lượng rất lớn nhưng các luật sư đều rất phấn trấn, tràn đầy năng lượng cho những ngày tiếp theo.


Có được kết quả đó, phải chăng Nhật Bản vĩ đại từ những điều nhỏ nhất!


Luật sư Vũ Tiến Vinh


Phó Giám đốc Trung tâm TVPL LĐLSVN

87 views0 comments

Comments


bottom of page