Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10-10, báo chí trong nước đã đăng nhiều tin, bài về luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam. Liên đoàn Luật sư Việt Nam xin được đăng lại một số bài viết nhân ngày kỷ niệm trọng đại này.
Với tiêu đề “Luật sư cần môi trường tốt để phụng sự xã hội”, Báo Pháp Luật TP.HCM ghi nhận những ý kiến trăn trở và mong mỏi của giới LS trên bước đường hành nghề với thiên chức bảo vệ công lý.
LS ĐỖ NGỌC THỊNH, Chủ tịch LĐLS Việt Nam:
Góp phần bảo vệ công lý và pháp chế
Trong 10 năm qua, Liên đoàn (LĐ) LS Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, tập hợp, đoàn kết đội ngũ LS Việt Nam trong nhiệm vụ và sứ mệnh góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. LĐLS Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Đảng và Nhà nước, xã hội luôn động viên, quan tâm để LĐLS và đội ngũ LS Việt Nam làm tròn bổn phận và trách nhiệm phục vụ xã hội, phụng sự công lý. LĐLS Việt Nam luôn quyết tâm xây dựng đội ngũ LS đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Chúng tôi sẽ xây dựng LĐLS Việt Nam thành một tập thể đoàn kết để giới LS đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
LS PHAN TRUNG HOÀI, Phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam:
Sứ mệnh của luật sư Việt Nam
Ngày truyền thống LS Việt Nam năm nay là dịp kỷ niệm chặng đường 10 năm thành lập LĐLS Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, LĐLS luôn cố gắng gầy dựng một mái nhà chung cho giới LS Việt Nam.
Hiện nay cả nước có 13.500 LS; mỗi năm chúng ta có thêm 700 LS mới. Yêu cầu và thách thức hiện nay đặt lên vai giới LS một sứ mệnh: Vừa phải đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, xứng đáng với lòng tin của người dân và xã hội.
Chưa bao giờ cơ chế, chính sách, đường lối của Đảng, từ Nghị quyết 08, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 33 của Ban Bí thư đến môi trường chính sách (hiến pháp và các đạo luật) đang tạo thuận lợi cho giới LS.
Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, nhu cầu cần được cung cấp các dịch vụ pháp lý càng tăng cao.Thế nhưng số lượng LS tăng nhanh mà chất lượng còn chưa tương xứng. Các dịch vụ pháp lý được cung cấp ở một mặt nào đó chất lượng còn hạn chế.
Thực tiễn cũng cho thấy trong hoạt động tố tụng, nhất là ở giai đoạn điều tra, nhiều LS đã nêu lên những khó khăn, trở ngại. Vấn đề là pháp luật đã quy định rõ nhưng chuyện còn lại thì nằm ở nhận thức. Vừa rồi LĐLS Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công an, nêu lên vướng mắc, khó khăn, đề xuất những giải pháp tháo gỡ trong triển khai pháp luật về tố tụng do có thay đổi.
Một tin rất mừng là có thể hôm nay, 10-10, bộ trưởng Bộ Công an sẽ ban hành một thông tư mới để bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra. Đây là một điều hết sức có ý nghĩa đối với giới LS nhân ngày truyền thống LS Việt Nam.
Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, các tranh chấp thương mại giữa Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác chắc chắn sẽ phát sinh; Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ trở thành một bên của tố tụng. Thực tế là việc giải quyết các tranh chấp quốc tế cũng đang phải nhờ vào các tổ chức LS nước ngoài khá nhiều. Vì vậy, việc nâng cao năng lực của giới LS Việt Nam để đáp ứng nhu cầu hội nhập luôn được LĐLS VN đặt ra và giải quyết.
LS NGUYỄN VĂN TRUNG, Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM:
Uy tín và thương hiệu của luật sư TP.HCM
Thời gian qua, Đoàn LS TP.HCM không chỉ gia tăng về số lượng mà còn ở chất lượng dịch vụ pháp lý, số lượng vụ việc có LS tham gia cũng ngày càng tăng. Thông qua hoạt động hành nghề, đội ngũ LS TP.HCM đã có những đóng góp tích cực cho công tác tư pháp nói chung, hoạt động xét xử nói riêng, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Đồng thời qua đó LS góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước và TP…
Ngoài lĩnh vực truyền thống như tham gia tố tụng, các LS và tổ chức hành nghề LS trên địa bàn TP đã tiếp tục phát triển hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong các giao dịch đầu tư, thương mại quốc tế… Nhiều LS, tổ chức hành nghề LS tiếp tục tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường dịch vụ pháp lý trong nước và trong khu vực, trở thành những nhân tố chủ lực tham gia chủ động trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài…
Báo Luật sư On line đăng bài “Tản mạn về lẽ công bằng” của luật sư Nguyễn Minh Tâm:
LSVNO - Cách đây đúng 30 năm, trong buổi chia tay học viên lớp pháp lý cho các tỉnh Tây Nguyên tổ chức tại Buôn Mê Thuột, khi kết thúc môn học, tôi đã rất xúc động về tấm chân tình mà học viên dành cho tôi với tư cách một người thầy của họ. Nỗi xúc động ấy đã khiến tôi có được một bài thơ để thay lời tạm biệt.
Liên tưởng tới vị thế của những người tôi sắp chia tay, họ đều là những cán bộ tòa án, kiểm sát, công an, thanh tra, tư pháp, kiểm lâm… mà hoạt động của họ có liên quan đến số phận của nhiều người, tôi bật ra được những câu thơ:
Bao la biển cả cuộc đời
Đó đây còn biết bao người khổ đau
Oan khiên đè nặng trên đầu
Lòng tin không lẽ phai màu thắm tươi (?)
Lương tâm - bài học một thời
Cha ông đã dạy làm người có nhân
Là người nẩy mực cầm cân
Nhớ câu Giữ - Lấy - Lòng - Dân - Hỡi người!
Cái gốc của nhân tâm là lẽ công bằng. Hơn một tháng trời chung nhau đèn sách, tôi đã dồn hết tâm huyết vào bài giảng, những gì tôi hiểu, tôi cảm về thực tế hoạt động giảng dạy và nghề bào chữa đều được đưa vào bài giảng dưới dạng những ví dụ sinh động, thiết thực để rút ra những nhận xét về giá trị của lẽ công bằng trong xã hội. Nỗi niềm khao khát của tôi đã được hóa thành thơ:
Ước mong bài giảng của tôi
Sẽ thêm chút nắng cho đời ấm lên
Đem về cho mẹ cho em
Lẽ công bằng - của tổ tiên bao đời!
Vâng, tôi biết không chỉ riêng tôi trăn trở về cái lẽ công bằng trong xã hội. Bởi nó là khát vọng từ ngàn đời của cha ông, là di sản tinh thần quý báu mà tổ tiên loài người để lại cho chúng ta. Ở đời, ngay trong gia đình, nếu không có lẽ công bằng thì sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. Thử hỏi, cha mẹ mà còn phân biệt, yêu đứa này, ghét đứa kia và đối xử không công bằng với con cái thì gia đình sẽ ra sao?
Tôi nhớ trong dân gian đã lưu truyền một câu nói về lẽ công bằng: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Câu nói ấy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị định hướng mục tiêu cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng một xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh!
Tôi có hai đứa cháu ngoại, hồi chúng còn nhỏ, có hai chuyện khiến tôi giật mình.
Chuyện thứ nhất. Hai đứa cùng chơi đồ chung rồi giành nhau. Thằng em khóc ầm lên, nằm lăn ra giẫy đành đạch như bị đánh đau đớn lắm. Tôi đang làm việc, thấy thế liền dùng quyền uy của người ông, phạt thằng anh đứng úp mặt vào tường. Thằng anh chấp hành nhưng cứ ấm ức, tủi thân, nước mắt trào ra. Khi được ông tha, nó mới mếu máo nói rằng: “Ông phạt không công bằng, con có lỗi gì đâu, em con nó ăn vạ đấy ông ạ”. Tôi đành an ủi nó: “Ông phạt con gọi là để dỗ em đấy mà”.
Chuyện thứ hai. Một lần đi công tác về, tôi mua cho mỗi đứa một bộ đồ rất đẹp, chỉ khác nhau ở màu sắc và các hình trang trí trên ngực áo. Nhận quà xong, cả hai đứa cảm ơn ông ngoại, nhưng bỗng nhiên thằng lớn bày tỏ: “Sao ông không mua cho con cùng màu và có hình siêu nhân như em con hả ông?” Tôi lặng người về thắc mắc của nó. Bởi tôi chỉ có một quan niệm đơn giản về việc mua quà mà không để tâm tới sở thích của đứa cháu, điều mà lẽ ra tôi chú ý thì vẫn có thể làm được.
Hai câu chuyện ấy cứ ám ảnh tôi về cách hành xử đối với trẻ thơ. Nhưng đấy là chuyện trong nhà.
Ngoài xã hội, khi hành nghề luật sư, tôi đã gặp những trường hợp thân chủ của mình bị hàm oan, nhưng gỡ được oan khiên cho họ thật là khó khăn. Đó là những nỗi oan có thật. Có người còn nói với tôi trong nước mắt: “Luật sư ơi, tòa xử tôi như vậy thật là bất công”. Từ “bất công” chỉ có nghĩa là “không công bằng” thôi, nhưng sao nghe như có mũi dao thọc thẳng vào tim khi nó được phát ra từ miệng của một người đang phẫn uất với bản án của quyền lực.
Tôi cũng chỉ biết khuyên họ bằng một sự cảm thông và hứa sẽ giúp họ trong phiên xử phúc thẩm khi họ kháng cáo. Thử hỏi, tôi làm được gì trước hoàn cảnh ấy của thân chủ? Từ sâu thẳm lòng mình, tôi tự ngượng với chính nghề nghiệp của mình, vì đã không làm thay đổi được số phận oan khiên của họ.
Nhìn lại thực trạng tư pháp nước ta từ khi có Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, nền tư pháp nước nhà đã có sự chuyển biến đáng ghi nhận. Các bộ luật chuyên ngành về tư pháp cũng đã được sửa đổi, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, nhưng giữa những quy phạm trong các bộ luật và thực tế thi hành trong đời sống tư pháp vẫn còn một khoảng trống, chưa thể lấp đầy.
Tôi ghi nhận những ý kiến kết luận của ông Phan Đình Trạc - Trưởng ban Nội chính Trung ương trong buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam về khảo sát, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, trong đó có nội dung về môi trường thực tế thực hiện các quyền tố tụng của luật sư trong hành nghề theo quy định của các bộ luật tố tụng vẫn còn là một vấn đề đáng để chúng ta lưu tâm.
Môi trường ấy đang đặt ra trước chúng ta nhiều việc phải làm, trong đó phát huy vai trò, vị trí của luật sư và nghề luật sư, cũng như nâng cao nhận thức của những cơ quan, cá nhân nắm giữ quyền lực Nhà nước trong hoạt động tố tụng trong quan hệ với luật sư.
Bởi, các chủ thể quan hệ tư pháp không có mục đích nào cao hơn là cùng nhau phụng sự công lý, bảo đảm được lẽ công bằng trong xã hội. Đó cũng là yêu cầu để bảo vệ quyền con người theo tinh thần Hiến pháp mới của nước ta.
Tôi cũng ghi nhận những ý kiến của ông Lê Quý Vương - Thứ trưởng thường trực Bộ Công an trong buổi làm việc với đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam trao đổi về nội dung thông tư mới sắp ban hành có liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư với yêu cầu cao nhất là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện trách nhiệm của mình trong quan hệ tố tụng điều tra, nhằm hạn chế oan sai, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp.
Định hướng lớn của cải cách tư pháp là lấy tòa án làm trung tâm, phán quyết của tòa phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Có như thế mới bảo đảm được lẽ công bằng trong xét xử.
Không phải ngẫu nhiên mà văn học pháp đình thế giới xây dựng được một nhân vật Bao Công từ một nguyên mẫu có thực là Bao Chửng từ đời Tống bên Trung Quốc. Hình ảnh Bao Công là tượng trưng cho quyền lực nhà nước trong phán xét số phận con người.
Trong phim, ta chỉ thấy một khuôn mặt đen, quắc thước với ánh mắt nghiêm nghị và nửa vành trăng trên vầng trán rộng, không bao giờ thấy ông cười. Thế nhưng đằng sau vẻ mặt lạnh lùng ấy là cả một tấm lòng nhân hậu bao dung và một niềm tin vào sức mạnh của công lý.
Ông cũng có những giây phút dằn vặt khó xử khi nghĩ suy về vụ án có đụng chạm đến các bị cáo xuất thân từ “hoàng thân quốc thích” để tìm những lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình trong sứ mệnh diệt trừ cái ác bằng những lời kết tội thấu tình đạt lý, khiến người được ông phán xét phải tâm phục khẩu phục.
Bao Công - Ông là biểu tượng của lẽ công bằng.
Mong sao nền tư pháp nước ta có thật nhiều vị Bao Công như thế!
LS. Nguyễn Minh Tâm
Báo Người đưa tin đăng bài phỏng vấn luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài với tựa đề “Luận lý của luật sư được hình thành như thế…”:
Trong chuỗi ngày vội vã, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã dành cho báo phóng viên điện tử Người Đưa Tin những khoảng lặng để nói về nghề nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Thật bất ngờ, khi tận sâu bên trong tâm tư của một luật sư bản lĩnh, điềm đạm, nguyên tắc lại ẩn chứa một tâm hồn đa cảm, sống hết lòng với nghề....
PV: Theo tìm hiểu của tôi, ông thuộc thế hệ đầu tiên gia nhập Đoàn luật sư TP.HCM. Tôi từng được nghe những ngày đầu thành lập của Đoàn luật sư TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng chất chứa nhiều kỷ niệm và hừng hực khí thế. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm ngày đầu ông gắn bó với Đoàn luật sư TP.HCM và nghề?
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày Đoàn Luật sư TP.HCM tròn 30 tuổi (24/10/1989-24/10/2019), trong tôi tràn ngập cảm xúc như mới ngày đầu mình là một trong 67 thành viên gia nhập Đoàn.
Thật ra, nếu tính về thời gian thành lập, hoạt động nghề nghiệp luật sư ở TP.HCM đã bắt đầu từ Đoàn bào chữa bên cạnh Tòa án được thành lập sau ngày đất nước thống nhất. Chỉ khi Pháp lệnh luật sư năm 1987 được ban hành, Đoàn Luật sư TP.HCM cùng nhiều Đoàn Luật sư địa phương trên cả nước mới tổ chức thành lập.
Thời điểm bấy giờ, những luật sư mới vào nghề như chúng tôi rất bỡ ngỡ, lúng túng. Ấn tượng của tôi là tấm lòng của các luật sư đồng nghiệp đi trước đã tận tình chỉ dẫn, dạy bảo những nền tảng căn bản, tố chất cần có của một luật sư khi hành nghề như trong mái ấm của một gia đình. Quá trình tập sự thời đó có thể “chuyên nghiệp” hơn bây giờ, ngoài tham gia nghiên cứu hồ sơ, luật sư tập sự được tham gia làm việc với khách hàng, được tranh tụng ở Tòa án cấp quận huyện, thực hiện tất cả các kỹ năng và phạm vi hành nghề theo sự hướng dẫn của luật sư thực thụ.
Đặc biệt, để được công nhận là luật sư chính thức, bên cạnh việc thực hiện bài kiểm tra viết, người tập sự phải trực tiếp bào chữa một vụ án đã đăng ký tại phiên tòa, phía sau có một Hội đồng kiểm tra là các luật sư thực thụ chứng kiến, đánh giá. Nói cách khác, người tập sự khi đó được “sống” trong môi trường hành nghề thật sự, có điều kiện trưởng thành từ trải nghiệm thực tế…
Ngoài ra, vấn đề hành nghề một cách minh bạch, “chính danh” còn liên quan đến việc giao kết hợp đồng và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, nên ngay từ khi chuyển từ kiêm nhiệm sang hành nghề luật sư chuyên nghiệp, điều tôi quan tâm nhất là phải có mã số thuế của Văn phòng luật sư. Đây thật sự là một quá trình vất vả để trở thành luật sư đầu tiên được cấp mã số thuế hành nghề luật sư ở TP.HCM.
PV: Chắc hẳn, ông không thể quên vụ án đầu tiên ông tham gia bào chữa. Ông chia sẻ cảm xúc của bản thân mỗi khi nhớ về vụ án đó được không?
Sau khi tốt nghiệp Khoa Luật quốc tế Đại học Luật Hà Nội (Khóa 2), đầu năm 1982, tôi về công tác tại Sở Tư pháp TP.HCM. Công tác tại đây được 2 năm, tôi lên đường nhập ngũ vào quân đội. Sau khi xuất ngũ, xuất phát từ chuyên môn được đào tạo về tư pháp quốc tế, năm 1986, tôi về công tác tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp và đầu tư (Imexco), phụ trách công tác thanh tra, sau chuyển làm pháp chế, trợ lý cho Tổng Giám đốc.
Công việc đang thuận lợi thì bất ngờ xảy ra vụ cháy trụ sở Imexco tại số 8 Nguyễn Huệ, quận 1 và ông Nguyễn Văn Hoàng (Tổng Giám đốc Imexco) bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi trải qua vài phiên tòa trong thời gian tập sự, tôi chính thức hành nghề luật sư với tư cách người bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hoàng trong vụ án kéo dài gần hai năm, được Tòa án nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm vào ngày 12/9/1991. Có nhiều ấn tượng, trải nghiệm của phiên tranh tụng chính thức “đầu tiên” ấy, với nhiều bỡ ngỡ, lo lắng, nhưng đó một phiên tòa thành công với lời bào chữa được chấp nhận, kết quả thân chủ của tôi chỉ bị tuyên mức phạt cảnh cáo. Tôi đã chia sẻ về quá trình tham gia vụ án này trong Bút ký luật sư (tập 1) do Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2005.
PV: Ông từng trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi gắn bó với nghề luật sư. Tại sao ông chọn gắn bó với nghề này mà không phải bất kỳ một nghề nào khác?
Thật ra, tôi là học sinh giỏi văn ba năm cấp 3 ở Hà Nội, nhưng khi thi vào khoa Văn tôi lại được chuyển sang khoa Pháp lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1977, ngã rẽ cuộc đời đã đưa tôi đến với nghề luật như một cơ duyên không được đoán định trước. Khi làm việc tại phòng Tuyên truyền pháp luật, Sở Tư pháp TP.HCM, tôi cùng luật sư Phan Đăng Thanh gầy dựng tờ Bản tin Tư pháp từ năm 1982, sau chuyển thành Tuần báo, nhật báo Pháp luật TP.HCM ngày hôm nay.
Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử vụ cháy trụ sở Imexco, tôi được mời quay trở lại Sở Tư pháp TP.HCM, nhận trách nhiệm Ủy viên biên tập, Trưởng ban Chính trị- xã hội Tuần báo Pháp luật TP.HCM, vừa hành nghề luật sư kiêm nhiệm. Biết bao đắn đo, day dứt, lựa chọn từ bên trong tâm khảm của mình về sự dấn thân vào nghề báo hay nghề luật sư, nhưng cuối cùng tôi đã quyết định chọn để trở thành luật sư chuyên nghiệp vào đầu những năm 90.
Mỗi lĩnh vực, nghề nghiệp mà tôi có điều kiện trải nghiệm đều để lại những bài học, kinh nghiệm cho tôi được cơ hội trưởng thành, nhưng với quá trình được đào tạo, tôi ngày càng thấm thía hơn sứ mệnh cao quý của nghề luật sư. Đó đơn giản không chỉ là nghề cung cấp dịch vụ, mà phải tích lũy được lượng kiến thức pháp lý và xã hội đủ dày để chia sẻ được tâm trạng, hoàn cảnh của những người yếu thế, thi thoảng là những người ở “tận đáy xã hội”, phải có bản lĩnh để vượt qua biết bao chông gai, trở ngại trên hành trình tiếp cận công lý, tôn trọng sự thật khách quan với sự tận hiến và tấm lòng yêu thương con người…
PV: Ông vừa nói đến “bản lĩnh ” của Luật sư, nhưng thật sự có lúc nào ông sợ gì không?
(Trầm ngâm). Đây là thực sự là câu hỏi xoáy vào tâm can của mỗi luật sư. Tôi sợ và biết sợ chứ! Trong quá trình hành nghề, có thể có nhiều va đập do khác biệt quan điểm, quyền lợi khách hàng đối lập nhau, thậm chí có những áp lực, đe dọa nhưng không làm mình nhụt chí.
Điều làm tôi sợ nhất chính là mình không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của mỗi khách hàng, chưa thấu hiểu hoàn cảnh, số phận của họ. Từ đó, mình tự đánh mất đi niềm khao khát khi hành nghề, những giá trị mà mình theo đuổi, giảm sút lòng tin trước những mặt trái của cuộc sống.
Nỗi sợ lớn hơn là những hành trình tố tụng không có điểm dừng, làm tổn hao thời gian, trí lực và chi phí của người dân, doanh nghiệp.
PV: Khi hình dung về nghề luật sư, tôi nghĩ đến hình ảnh ông đã miệt mài nghiên cứu vụ án thông qua những xấp hổ sơ dày cộm, tự thân điều tra những điều khuất tất của vụ án... Liệu tôi đã hình dung đúng chưa thưa ông? Hay, góc khuất của nghề còn lắm nỗi niềm mà người ngoài nghề như tôi không thể nào biết được?
Mỗi luật sư đều cố gắng tự trau dồi kỹ năng, bồi đắp tố chất thông qua việc tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và ngay trong thực tiễn đời sống tố tụng. Tuy nhiên, khi tư vấn hay tham gia tố tụng, mỗi luật sư đều phải chú tâm nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, tìm hiểu các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ tranh chấp, từ đó tìm ra giải pháp pháp lý, xây dựng quan điểm bào chữa trong tranh tụng.
Nhiều vụ đại án liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng, có trên dưới 300 tập hồ sơ, gần triệu bút lục, nhưng bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp cố gắng không bỏ sót một bút lục nào, chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch thẩm vấn và xây dựng dự thảo bài bào chữa, vào làm việc liên tục với khách hàng để có sự thống nhất cao.
Đôi khi, vai trò luật sư được coi như một “tổng đạo diễn”, phải nhìn ra điểm cốt lõi của vụ án nằm ở đâu, ranh giới khác biệt giữa quan điểm buộc tội và gỡ tội, thậm chí phải hình dung được không gian, diễn biến phiên tòa để dự liệu, khách hàng không bị bất ngờ trước các tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa.
Hiện nay, cơ chế tố tụng cho phép luật sư được sao chụp gần như toàn bộ hồ sơ vụ án. Thông qua những tiến bộ của công nghệ 4.0, chúng tôi xử lý file chụp hồ sơ thành bản PDF, rồi chuyển sang file words để tiện trích dẫn và sử dụng. Bất cứ lúc nào, kể cả ngày nghỉ, tôi có thể từ tốn đọc kỹ lại từng chứng cứ, tài liệu, phát hiện những chi tiết đắt giá mà bình thường khi nghiên cứu mình không nhìn ra. Khi bất ngờ phát hiện những tình tiết, chứng cứ có giá trị xoay chuyển cục diện vụ án từ việc nghiên cứu hồ sơ như thế, khiến tôi được trôi đi trong cảm giác khó tả. Luận lý của luật sư được hình thành như thế…
PV: Trong chuỗi hoạt động của mình, ông tham gia rất nhiều vụ án điển hình và thu hút chú ý của dư luận như: Vụ án Minh Phụng-Epco, vụ án Năm Cam, nông trường Sông Hậu, vụ nhà báo Hoàng Khương, sau này là các vụ án liên quan ông Đinh La Thăng, Phạm Công Danh (ngân hàng Xây dựng), Trần Phương Bình (Đông Ả), vụ án đánh bạc ở Phú Thọ, một số vụ án liên quan đến Vũ Nhôm, bây giờ là vụ án Mobifone-AVG... Trải qua ngần ấy vụ án, ông ngẫm ra được gì cho nghề của mình? Ông có thấy bản thân may mắn khi được tiếp cận những vụ án lớn để bản thân có cơ hội trao dồi nghề nghiệp?
Tôi nghĩ tự thân mỗi luật sư không lựa chọn được khách hàng cho mình, cũng như không ai coi việc hành nghề là do may mắn. Bởi vì, nhiều vụ án mình thấy không đủ sức đảm đương, còn nhận trách nhiệm bào chữa đôi khi cũng có thể do cơ duyên, bạn bè, người quen cũ giới thiệu, cậy nhờ…
Người xưa từng nói, “thuyền to thì sóng lớn”, thù lao luật sư coi vậy rất hạn hẹp, nhưng áp lực thì vô biên. Chỉ có cách vượt qua những áp lực đó bằng cách thật sự chú tâm vào chuyên môn, kỹ năng hành nghề và ứng xử nghề nghiệp.
Điều tôi cảm nhận được là thông qua các vụ án nói trên, mình có thêm được cơ hội học hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ những người tiến hành và tham gia tố tụng, của chính khách hàng mà mình nhận bào chữa, hiểu thêm giá trị vũ khí chính yếu của một luật sư là luận lý, mặc dù không phải bao giờ lý lẽ của luật sư cũng được chấp nhận.
Thông qua việc bào chữa cho những người vốn dĩ là quan chức hay đại gia, mình vẫn thấy dòng chảy của số phận luôn đảo chiều, chẳng có gì là bất biến cả. Đằng sau đó vẫn là thân phận của một con người, vẫn có những góc tối và khoảng sáng. Chính vì thế, kết quả sau mỗi phiên tòa không chỉ còn là mức án hay trách nhiệm dân sự, mà trong nhiều trường hợp, nhu cầu của khách hàng chỉ mong muốn thông qua phiên tòa công khai, sự thật khách quan, nguyên nhân, bối cảnh của vụ án được làm sáng tỏ, người ta có thể an lòng khi đi chấp hành án, rồi mong ngày có cơ hội trở về với đời thường…
PV: Có lẽ, suốt một hành trình dài gắn bó với nghề, ông đã có cơ hội bào chữa cho đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Ông cảm nhận việc thân chủ là một người nghèo, không có vị trí trong xã hội so với thân chủ từng là quan chức, đại gia, doanh nhân... thì đối tượng nào yếu thế hơn trước tòa? Liệu có sự khác biệt nào giữa việc bào chữa cho một người nghèo, ít học so với quan chức, đại gia?
Nhiều đồng nghiệp chắc cũng cảm nhận như tôi, không có sự phân biệt nào giữa khách hàng lớn hay nhỏ, quan chức, đại gia, doanh nhân hay người thân cô thế cô, người nghèo không có tiền trang trải phí luật sư. Có nhiều trường hợp, có những vụ án đơn giản, thuộc trường hợp án chỉ định, mỗi luật sư đều phải làm hết trách nhiệm của mình. Niềm vui khi họ được minh oan, hay giảm thiểu mức án cũng lớn lao như những người khác.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã tặng bài thơ khi tôi bào chữa hai lần Tòa tuyên trắng án cho ông Đào Quốc Túy (nguyên giám đốc DNTN Thái Hòa bị một đương sự tố cáo “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị đưa ra xét xử nhiều lần trong hơn 10 năm – PV):
Mười năm kêu thấu đất trời
Bao nhiêu oan khuất một thời đã qua
Xác thân dù có về nhà
Giọt đau còn đọng đến già chưa khô
Lửa oan vẫn cháy đến giờ
Sém loang cả những câu thơ giữa đời
Đường nghề hun hút xa xôi
Lòng riêng một nỗi buồn vui nhân tình
Câu thơ viết giừa pháp đình
Nửa mừng thân chủ, nửa dành cho ta...
PV: Nhắc đến nghề luật sư, nhiều người có nói, đôi khi luật sư nằm giữa lằn ranh mong manh giữa việc bảo vệ thân chủ và bẻ cong sự thật. Ông cảm thấy nhận định này thế nào?
Khi đối diện với một hồ sơ vụ án, với kết quả điều tra, truy tố và xét xử công khai, là người có kiến thức, kỹ năng, luật sư sẽ biết đâu là sự thật khách quan, đâu là giới hạn mà mình không thể vượt qua. Do đó mới có chuyện khách hàng và luật sư không cùng chung tiếng nói, luật sư có quyền từ chối, chấm dứt hợp đồng (tất nhiên với lý do phải hoàn toàn chính đáng). Không chỉ bằng niềm tin nội tâm, chưa nói phạm trù đạo đức, chỉ thông qua kết quả điều tra, tranh tụng, luật sư nhận biết các dấu hiệu vi phạm, nên nếu nương theo yêu cầu bào chữa “bằng mọi giá”, lời bào chữa của luật sư trước Tòa liệu có thuyết phục Hội đồng xét xử, chưa nói đến dư luận xã hội?
Vậy luật sư có sức mạnh nào để bẻ cong sự thật? Khi hành nghề, tôi nghĩ mỗi luật sư luôn đứng trước nhu cầu rất lớn của khách hàng, kể cả mong muốn đạt được kết quả cụ thể với mức thù lao thỏa đáng, nhưng khi nhìn nhận trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, mỗi luật sư sẽ phải có sự lựa chọn con đường mà mình sẽ đi. Mình chọn cách tiếp cận thế nào thì con đường đi của mình sẽ hiện ra như thế…
PV: Vậy ở góc độ tổ chức xã hội nghề nghiệp, có sự khác biệt nào trong hoạt động nghề nghiệp giữa luật sư Việt Nam và một số nước phát triển?
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức luật sư quốc tế và quốc gia có nghề luật phát triển và trong khu vực.
Con đường mà một thẩm phán hay công tố viên muốn được bổ nhiệm, phải trải qua hàng chục năm kinh nghiệm hành nghề luật sư. Tuy khoảng cách có sự chênh lệch khá lớn cả về chiều dài lịch sử của nghề, tầm vóc và quy mô, tố chất nội lực của đội ngũ luật sư ở Việt Nam, nhưng tôi thấy những thách thức của nghề luật sư trước nhu cầu đóng góp cho sự phát triển của nền tư pháp công bằng, gần gũi và tạo thuận tiện cho người dân trong việc tiếp cận công lý thì ở đâu cũng như nhau.
PV: Vâng, xin cám ơn ông về buổi trao đổi ý nghĩa này!
Comments