Theo kế hoạch được Ban Đối ngoại Trung ương cho phép, nhận lời mời của Hiệp hội Pháp luật Anh và xứ Wales, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra Quyết định số 146/QĐ-LĐLSVN ngày 20 tháng 11 năm 2015 cử các luật sư có tên dưới đây tham gia chuyến công tác tại Vương quốc Anh từ ngày 7-10 tháng 12 năm 2015:
Luật sư Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh – Trưởng đoàn;
Luật sư Lưu Tiến Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ Quốc tế LĐLSVN – Phó Trưởng đoàn;
Luật sư Đinh Văn Quế, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam – Thành viên;
Luật sư Nguyễn Đình, Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Cao Bằng – Thành viên;
Sau đây là tóm tắt nội dung, tình hình và kết quả chuyến công tác.
CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC
Trong chuyến thăm và làm việc, Đoàn đã có các cuộc làm việc với các đối tác sau đây:
Chủ tịch Hiệp hội Pháp luật Anh và xứ Wales;
Ủy ban quốc tế Hiệp hội Pháp luật Anh và xứ Wales;
Ủy ban về các quan hệ công Hiệp hội Pháp luật Anh và xứ Wales;
Cơ quan quản lý hành nghề luật Hiệp hội Pháp luật Anh và xứ Wales;
Ủy ban trợ giúp pháp lý Hiệp hội Pháp luật Anh và xứ Wales;
Cố vấn chính sách về hoạt động trợ giúp pháp lý tình nguyện Hiệp hội Pháp luật Anh và xứ Wales;
Đại diện tổ chức hành nghề tranh tụng;
Thăm và tham dự một phiên tòa Tòa án công lý hoàng gia;
Lãnh đạo Công ty luật Hogan & Lovells;
Lãnh đạo Công ty luật Allen & Overy.
NỘI DUNG CHÍNH CÁC BUỔI LÀM VIỆC
Tổng quan về Hiệp hội Pháp luật Anh và xứ Wales
Luật sư Jonathan Smithier – Chủ tịch Hiệp hội Pháp luật Anh và xứ Wales đã có cuộc tiếp đón trọng thị Đoàn. Chủ tịch Hiệp hội đã đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của Đoàn và bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác giữa Hiệp hội và Liên đoàn nói chung và giữa giới luật sư hai nước sẽ được tăng cường sau chuyến thăm này.
Chủ tịch Hiệp hội đã giới thiệu tổng quan và khái quát cơ chế và bộ máy quản lý của Hiệp hội. Hiệp hội có hơn 160.000 thành viên là các luật sư tư vấn và 15.000 luật sư tranh tụng.
Cơ quan quản lý cao nhất của Hiệp hội là Hội đồng quốc gia. Hội đồng quốc gia họp hàng quý để bàn và ra các quyết sách quan trọng của Hiệp hội. Ban lãnh đạo thường trực của Hiệp hội gồm Chủ tịch Hiệp hội, một Phó Chủ tịch Hiệp hội và Trợ lý Phó Chủ tịch Hiệp hội.
Mỗi chức danh này được bầu cho nhiệm kỳ 3 năm theo cơ chế như sau: Một người trước hết được bầu vào chức vụ Trợ lý Phó Chủ tịch cho nhiệm kỳ 1 năm, sau đó đương nhiên trở thành Phó Chủ tịch Hiệp hội vào năm thứ hai và năm thứ ba sẽ đương nhiên trở thành Chủ tịch Hiệp hội. Chủ tịch Hiệp hội làm việc chuyên trách và được trả lương. Phó Chủ tịch Hiệp hội cũng dành cơ bản thời gian làm việc chuyên trách và được trả lương. Trợ lý Phó Chủ tịch Hiệp hội có thể dành một số thời gian trống để hành nghề.
Bộ máy chuyên trách giúp việc của Hiệp hội bao gồm hơn 300 người được tuyển dụng cho các Ủy ban, đơn vị chuyên môn của Hiệp hội. Đây là bộ máy chuyên nghiệp, có trình độ và kinh nghiệm đảm nhiệm các công việc của Hiệp hội.
Chủ tịch Hiệp hội cho biết Hiệp hội có vị thế, vai trò và ảnh hưởng lớn trong quá trình hoạch định chính sách công và pháp luật của đất nước. Hiệp hội có cả một cơ quan và bộ máy thực hiện việc vận động các chính sách liên quan đến vị thế của giới luật sư, quản lý và hoạt động hành nghề luật, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền con người, tiếp cận công lý v.v. Quan hệ với công chúng, đặc biệt là với các nghị sỹ, các quan chức của Chính phủ nhằm vận động chính sách và đóng góp cho hoạt động lập pháp là một trong những ưu tiên của Hiệp hội.
Hành nghề pháp luật Anh
Chủ nhiệm Ủy ban quốc tế của Hiệp hội đã giới thiệu những nét cơ bản của việc hành nghề pháp luật Anh.
Pháp luật Anh được sử dụng rất phổ biến trong các giao dịch quốc tế: các hợp đồng kinh tế, thương mại giữa các đối tác thuộc các quốc gia khác nhau, kể cả trong trường hợp không có đối tác nào là từ Vương quốc Anh, thường quy định pháp luật Anh là luật điều chỉnh hợp đồng, bởi lẽ pháp luật Anh khá linh hoạt và rất tôn trọng sự tự thỏa thuận của các bên hợp đồng.
Pháp luật Anh cho phép luật sư nước ngoài có thể hành nghề pháp luật Anh nếu đáp ứng được các điều kiện sau: (i) biết tiếng Anh; (ii) đã được cấp chứng chỉ hành nghề luật của nước nằm trong danh sách các nước được Anh thừa nhận; và (iii) qua được kỳ kiểm tra chứng tỏ có sự hiểu biết nhất định về pháp luật Anh và có khả năng hành nghề tại Anh (kỳ thi trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết về pháp luật Anh và kỳ thi vấn đáp kiểm tra kỹ năng hành nghề). Toàn bộ chi phí cho việc này khoảng 3.500 bảng.
Việt Nam chưa nằm trong danh sách các nước được Anh thừa nhận vì Việt Nam chưa đăng ký với Anh về vấn đề này. Việc đăng ký khá đơn giản, thông qua việc điền một đơn cung cấp một số thông tin cụ thể, chủ yếu chứng tỏ quốc gia đó có quy định về việc xem xét, quyết định cấp chứng chỉ hành nghề, về đạo đức nghề nghiệp và việc xử lý kỷ luật luật sư.
Đoàn được cung cấp mẫu đơn để báo cáo Thường trực Liên đoàn xem xét việc đăng ký, tạo điều kiện để luật sư Việt Nam có thể đồng thời được phép hành nghề pháp luật Anh khi có nguyện vọng và đáp ứng được điều kiện đặt ra.
Quản lý hành nghề luật sư
Bà Alison Hook, Cố vấn chính sách của Cơ quan quản lý luật sư tư vấn (Solicitors Regulations Authority) đã giới thiệu với Đoàn về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Cơ quan quản lý luật sư tư vấn.
Ở Anh, luật sư được chia ra làm hai loại: luật sư tư vấn (solicitors) và luật sư tranh tụng (barristers). Luật sư tư vấn do Cơ quan quản lý luật sư tư vấn quản lý. Luật sư tranh tụng do Hội đồng luật sư tranh tụng quản lý.
Cơ quan quản lý luật sư tư vấn là một bộ máy chuyên trách có hơn 600 cán bộ, nhân viên làm việc. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Cơ quan này bao gồm: (i) tổ chức việc cấp chứng chỉ hành nghề hàng năm cho luật sư tư vấn; (ii) theo dõi, quản lý việc thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc thường xuyên của luật sư tư vấn; (iii) xử lý kỷ luật luật sư tư vấn; và (iv) các hoạt đồng nhằm bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hành nghề luật sư tư vấn.
Đây là cơ quan có vị thế độc lập, mặc dù về danh nghĩa là một cơ quan của Hiệp hội pháp luật Anh và xứ Wales. Ban lãnh đạo Cơ quan này do Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm với thành phần gồm đại diện giới luật sư, học giả, cán bộ thực tiễn có uy tín cao. Mặc dù Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm Ban lãnh đạo, nhưng Ban lãnh đạo có nghĩa vụ theo luật là phải thực hiện nhiệm vụ của mình một cách độc lập và không chịu sự can thiệp của bất cứ cơ quan, tổ chức và cá nhân nào. Đoàn được cho biết trên thực tế Ban lãnh đạo của Cơ quan này chưa bao giờ được thông tin cho là đã có sự can thiệp.
Thời hạn giá trị chứng chỉ hành nghề, phí thành viên và cơ chế bảo đảm thu phí thành viên
Chứng chỉ hành nghề có giá trị một năm và được gia hạn vào ngày 01 tháng 11 hàng năm. Để được gia hạn cho năm kế tiếp, luật sư phải đóng phí thành viên cho năm kế tiếp và đã hoàn thành nghĩa vụ bồi dưỡng thường xuyên bắt buộc (16 giờ/năm).
Thời hạn giá trị chứng chỉ hành nghề ngắn như vậy được coi là cơ chế quản lý hữu hiệu việc hành nghề, trong đó có việc quản lý việc thu phí thành viên.
Phí thành viên hàng năm không cố định mà được xem xét, quyết định hàng năm. Hiện nay phí thành viên là 350 bảng. Hàng năm Hiệp hội căn cứ vào dự kiến chi phí cho năm kế tiếp để xem xét quyết định phí thường niên và lập kế hoạch chi tiêu, sử dụng phí thường niên.
Điều kiện để trở thành luật sư
Để có thể trở thành luật sư thì cần phải: (i) tốt nghiệp đại học luật hoặc tốt nghiệp khóa học chuyển tiếp nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác; (ii) tốt nghiệp khóa đào tạo nghề một năm; và (iii) hoàn thành chương trình tập sự hai năm.
Khóa đào tạo nghề một năm chú trọng các kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng quản lý khác như quản lý công ty, văn phòng luật sư, quản lý quan hệ với khách hàng v.v. Chương trình tập sự hai năm thường được thực hiện ở các công ty luật (đối với những người muốn trở thành luật sư tư vấn) hoặc văn phòng luật sư tranh tụng (đối với những người muốn trở thành luật sư tranh tụng). Tuy nhiên, vì không phải tất cả các ứng viên đều có thể tìm kiếm được cơ hội thực tập tại các công ty luật nên pháp luật Anh cho phép ứng viên có thể thực tập hoặc làm việc ở các cơ quan, tổ chức khác (riêng đối với những người muốn trở thành luật sư tư vấn).
Sau khi kết thúc hai năm tập sự thì cơ quan, tổ chức nơi ứng viên tập sự, văn phòng luật sư tranh tụng có nhận xét về việc người tập sự có đủ khả năng và điều kiên để trở thành luật sư hay không và dựa vào đó Cơ quan quản lý hành nghề luật sư tư vấn (đối với luật sư tư vấn) hoặc Hội đồng quản lý luật sư tranh tụng (đối với luật sư tranh tụng) cấp chứng chỉ hành nghề luật sư mà không phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tập sự.
Hiện nay Anh đang dự kiến có thể sẽ quy định việc tiến hành tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tập sự để bảo đảm chất lượng và điều kiện để có thể cấp chứng chỉ hành nghề, vì có sự khác nhau về chất lượng của các ứng viên khi họ tập sự ở các nơi khác nhau và thiếu sự kiểm chứng thống nhất.
Bồi dưỡng thường xuyên bắt buộc
Cho đến trước năm 2015 pháp luật quy định hàng năm luật sư phải hoàn thành 16 giờ bồi dưỡng bắt buộc. Quy định này qua thực tế cho thấy mang tính hình thức, nên đã được sửa đổi theo hướng không quy định về số lượng thời gian tối thiểu mà chỉ quy định chung về nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc, để mỗi luật sư và tổ chức hành nghề luật sư thực hiện một cách tự chủ và linh hoạt.
Đây là quy định mới nên bạn chưa có nhiều thông tin để chia sẻ với Đoàn. Cơ quan quản lý luật sư đang dự thảo các hướng dẫn cần thiết để bảo đảm việc thực hiện và giám sát có hiệu quả và thực chất.
Trợ giúp pháp lý miễn phí và tình nguyện
Trợ giúp pháp lý được thực hiện từ nguồn ngân sách của Chính phủ đối với các vụ việc về bạo lực gia đình, người không có nơi cư trú, người xin tị nạn chính trị và các vấn đề về quyền lao động. Đối những vụ việc này thì cần phải kiểm tra yếu tố thu nhập, kinh tế của đối tượng trợ giúp pháp lý xem có đủ điều kiện được trợ giúp pháp lý miễn phí hay không. Đối với các vụ việc về quyền của trẻ em, người có nhược điểm về thể chất và tinh thần và những vụ việc về nhân quyền thì đương nhiên được cung cấp trợ giúp pháp lý miễn phí.
Đối với các vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ tổ chức việc đấu thầu các tổ chức hành nghề thực hiện công tác trợ giúp pháp lý theo địa phương, công bố danh sách các luật sư thực hiện việc trợ giúp pháp lý tại địa phương để người dân, cơ quan cảnh sát có thể tiếp cận trong trường hợp cần thiết. Hiện nay trong toàn quốc Anh có 1.600 tổ chức hành nghề được Chính phủ ký hợp đồng thực hiện công tác này.
Dịch vụ trợ giúp pháp lý tình nguyện (pro-bono) là dịch vụ pháp lý cung cấp cho các đối tượng không thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí nêu trên. Đây là dịch vụ mang tính vì cộng đồng, không bắt buộc và giúp giới luật sư rèn luyện kỹ năng hành nghề, mở rộng và quảng bá hình ảnh cá nhân và tổ chức hành nghề. Dịch vụ này được giới luật sư ủng hộ và tham gia khá tốt: 37% luật sư và 59% tổ chức hành nghề tham gia dịch vụ này hàng năm. Ngay cả đối với các công ty luật lớn cũng có đến 43% trong số đó tham gia hoạt động này.
Các hoạt động của Hiệp hội tạo nguồn thu bổ sung cho Hiệp hội
Mặc dù nguồn thu từ phí thành viên của Hiệp hội là rất lớn nhưng Hiệp hội hàng năm đều tổ chức các sự kiện nhằm tạo nguồn thu bổ sung cho Hiệp hội. Các sự kiện đó bao gồm chủ yếu là các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ mà những người tham dự phải đóng phí. Các hoạt động đó để thu hút được các luật sư tham dự thì cần được xây dựng và chuẩn bị một cách chu đáo, từ việc xác định lĩnh vực mà giới luật sư quan tâm, diễn giả là những người có uy tín v.v. Ngoài ra, Hiệp hội còn xuất bản các ấn phẩm, chủ yếu là sách chuyên môn tham khảo với sự cộng tác của các học giả và các luật sư có danh tiếng, vừa nhằm quảng bá cho Hiệp hội và cũng tăng thêm nguồn thu cho Hiệp hội.
Hoạt động của tổ chức hành nghề ở Anh
Đoàn đã thăm và làm việc với hai tổ chức hành nghề của Anh là Công ty luật Hogan & Lovells và Alen & Overy là những công ty hàng đầu của Anh và có chi nhánh tại Việt Nam.
Hogan & Lovells đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong một số tranh chấp trọng tài quốc tế. Alen & Overy mặc dù mới mở chi nhánh tại Việt Nam nhưng cũng đã có những thành công nhất định và có kế hoạch phát triển hơn nữa ở Việt Nam.
Các công ty này chia sẻ cởi mở cơ chế quản lý hành nghề, kỹ năng và kinh nghiệm hành nghề cũng như việc xử lý các xung đột lợi ích và bảo đảm tuân thủ đạo đức nghề nghiệp luật sư trong quá trình hành nghề.
*
Chuyến công tác đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao về tất cả các mặt: chính trị ngoại giao, quan hệ quốc tế, chuyên môn nghiệp vụ... Đoàn đã được đón tiếp nhiệt tình và các cuộc tiếp xúc, trao đổi được tiến hành một cách cởi mở, chân tình và hiệu quả. Một số kinh nghiệm mà bạn trao đổi như: hiệu lực chứng chỉ hành nghề, cơ chế bảo đảm thu phí thành viên, bồi dưỡng bắt buộc thường xuyên, tổ chức các hoạt động tạo thêm thu nhập ngoài phí thành viên, vai trò và đóng góp của Hiệp hội trong quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật v.v. cần được tiếp tục nghiên cứu và tham khảo có chọn lọc phù hợp với bối cảnh và điều kiện của Việt Nam nói chung và của Liên đoàn nói riêng.
Comments