Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư năm 2019 của các Đoàn luật sư 4 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh
Triển khai việc thực hiện Thông tư số 02/2019/TT – BTP ngày 15/3/2019 của Bộ Tư pháp thay thế Thông tư số 10/2014/TT – BTP ngày 07/4/2014 của Bộ Tư pháp quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư hàng năm, trên cơ sở nội dung chương trình xây dựng theo từng năm đã được Liên đoàn luật sư phê duyệt, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối kết hợp trên tinh thần hợp tác giữa các Đoàn Luật sư 4 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh cùng với sự hỗ trợ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các chuyên gia của Dự án JICA ( Nhật Bản), xây dựng nên Kế hoạch lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu của Luật sư năm 2019 được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vào ngày 14/9/2019 Khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho tất cả các luật sư thành viên của cả 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh với gần 130 Luật sư đã được tổ chức tại Hội trường Khách sạn Hương Giang – số 51 Lê Lợi, thành phố Huế. Những người tập sự hành nghề luật sư cũng được mời tham gia để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ diễn đàn trao đổi các ý kiến chuyên môn này. Đến dự khai mạc có ông Phan Văn Hải – Đại diện Ban Nội chính tỉnh ủy, đại diện Sở Tư pháp và đại diện các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đưa tin về Khóa bồi dưỡng này.
Lịch học tập của Khóa bồi dưỡng là một ngày với phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Duy Phương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật – Đại học Huế giới thiệu chuyên đề: “Thực tiễn giải quyết vụ án hành chính - Khiếu kiện, Khiếu nại Quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, vấn đề thời hiệu”.
Chuyên đề thứ hai do chuyên gia pháp lý dài hạn của Dự án JICA là Luật sư Edagawa Mitsushi (Nhật Bản) đã trình bày và trao đổi về chủ đề: “Cơ chế giải quyết tranh chấp trong thu hồi đất ở Nhật Bản”. Đây là chuyên đề hết sức thú vị vì từ đó giúp cho các luật sư tham dự Khóa bồi dưỡng có một cách nhìn tổng quan về Luật thu hồi đất ở Nhật bản và giúp chúng ta có một cách nhìn Luật so sánh giữa hệ thống pháp luật của hai quốc gia, Việt Nam và Nhật Bản.
Đây thực sự là một diễn đàn khoa học với những người làm công tác thực tiễn, cùng nhau học tập, trao đổi và tranh luận về những tình huống áp dụng pháp luật thực tế, những vướng mắc trong quá trình hành nghề cũng như chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong các quy định về quản lý đất đai, về quyền sử dụng đất của hộ gia đình, của họ tộc, của các pháp nhân hoặc doanh nghiệp được giao đất có thu tiền sử dụng đất trước đây và những hệ lụy còn tồn tại cho đến hôm nay dẫn đến những mâu thuẫn tranh chấp về đất đai v.v...
Bên cạnh những kiến thức chuyên sâu được các chuyên gia trình bày logic và khoa học, các ý kiến thảo luận đã khai thác triệt để trí tuệ của các chuyên gia để làm giàu thêm vốn kiến thức thực tiễn phong phú của các luật sư thành viên. Các luật sư đã nêu tinh huống, đã tranh luận và trao đổi, cùng nhau tìm cách xử lý các tình huống nghề nghiệp một cách hợp lý và hợp pháp. Các thành viên tham dự đều cảm thấy phấn khích vì nội dung học tập thật sự thiết thực và hữu ích, nhất là khi thông qua học tập, trao đổi, thảo luận đã làm rõ các vấn đề pháp lý, trau giồi thêm các kỹ năng cần thiết giúp luật sư xử lý nhạy bén hơn trong việc phân tích các khía cạnh, nhìn nhận vấn đề pháp lý, đánh giá chứng cứ và tạo ra cách hiểu pháp luật thống nhất để dễ dàng áp dụng về sau.
Lớp học được tổ chức một cách chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo về nội dung và việc thảo luận gắn với thực tiễn hành nghề nên đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của tất cả các thành viên tham gia. Tuy lớp học đã kết thúc nhưng các luật sư và các thành viên khác vẫn trao đổi không ngừng về những nội dụng hội thảo đặt ra và nhiều ý kiến đề xuất cần tiếp tục tổ chức những hội thảo bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn chuyên sâu, mang tính phối kết hợp nhiều tỉnh, thành như thế này sẽ tạo điều kiện về nguồn lực để có thể có thêm nhiều chuyên gia trao đổi về những lĩnh vực chuyên biệt như vậy vì điều đó rất thiết thực và bổ ích cho việc rèn luyện các kỹ năng chuyên sâu cho luật sư. Điều này khẳng định rằng hiệu quả của việc quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư trong quá trình hành nghề đối với các Luật sư là cần thiết và hợp lý.
Một số hình ảnh về lớp bối dưỡng
LS. ThS. Đặng Thị Ngọc Hạnh - CN Đoàn luật sư tỉnh TT Huế
Comments