Trong ngày 27/12/2019, sau lời khai mạc của Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh, Luật sư Nguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ, Đại diện Tiểu ban xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trình bày báo cáo quá trình tiến hành và một số nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Báo cáo đã khẳng định, sau khi Điều lệ nhiệm kỳ II được thông qua, tổ chức, bộ máy của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư đã đạt được những kết quả nhất định trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của luật sư, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của luật sư, thực hiện chế độ tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư trong phạm vi cả nước; xây dựng các giá trị chuẩn mực của luật sư; tổ chức giám sát luật sư trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, thực hiện tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế thực hiện Điều Lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong những năm qua cho thấy, Điều lệ Liên đoàn đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư, sự phát triển của đội ngũ luật sư và nghề luật sư. Cụ thể:
1) Trong hoạt động của Liên đoàn
Theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Điều 5 Khoản 2) thì Hội đồng Luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn giữa hai kỳ Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc. Điều lệ quy định các Ủy viên Hội đồng có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng Luật sư toàn quốc; Tham gia thảo luận những vấn đề trong chương trình nghị sự của Hội đồng; biểu quyết thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng; có quyền bảo lưu ý kiến, gương mẫu chấp hành và thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng... Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có Uỷ viên HĐLSTQ, Ủy viên Ban Thường vụ chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn nhưng chưa bị xem xét, xử lý.
(2) Trong giám sát luật sư thực hiện nghĩa vụ của luật sư
Quy định của pháp luật về luật sư, quyền, nghĩa vụ của luật sư đã được Điều lệ Liên đoàn quy định tại Điều 27. Tuy nhiên, vẫn còn một số luật sư chưa thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của luật sư theo quy định của Điều lệ Liên đoàn trong việc chấp hành pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, tham gia bồi dưỡng bắt buộc, tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí, đóng phí thành viên... Mặc dù Điều lệ Liên đoàn có quy định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: khiển trách; cảnh cáo; tạm đình chỉ tư cách thành viên; xóa tên khỏi danh sách luật sư nhưng tình trạng luật sư vi phạm vẫn còn nhiều, nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng để giải quyết. Ví dụ:
- Tỷ lệ thu phí thành viên của Liên đoàn còn thấp, hàng năm, Liên đoàn chỉ thu được khoảng 60-65% phí thành viên, số còn lại không thu được, đặc biệt là ở 02 Đoàn luật sư có số đông luật sư như Đoàn Luật sư TP Hà Nội và Đoàn Luật sư TPHCM. Nguyên nhân một phần do ý thức của một số luật sư còn thấp, không thực hiện nghĩa vụ đóng phí thành viên của luật sư. Mặt khác, Liên đoàn, các Đoàn luật sư đông luật sư thành viên chưa có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ việc đóng phí thành viên, chưa phát hiện, nhắc nhở và xử lý kịp thời đối với luật sư chưa đóng phí. Một số luật sư đã bị các Đoàn luật sư xóa tên do nhiều năm không đóng phí thành viên. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng luật sư không đóng phí thành viên nhưng chưa bị xem xét, xử lý theo quy định và chưa có giải pháp thỏa đáng để chấm dứt tình trạng đó.
- Theo quy định của Thông tư số 10/2014/TT-BTP về hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc, mỗi luật sư là 16 giờ/năm (Thông tư 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019 của Bộ Tư pháp sửa đổi quy định nghĩa vụ luật sư tham gia bồi dưỡng giảm còn 08 giờ/năm). Đa số luật sư thuộc các Đoàn Luật sư đã thực hiện nghiêm túc quy định về bồi dưỡng bắt buộc theo quy định, song cũng còn một số luật sư chưa nghiêm túc thực hiện nhưng chưa bị xử lý theo quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
- Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quy định hàng năm một luật sư có nghĩa vụ phải thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí tối thiểu là 8 giờ. Tuy nhiên, có một số luật sư không thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý nhưng cũng không bị xử lý theo quy định.
3) Về các cơ quan, đơn vị chuyên môn và trực thuộc của Đoàn luật sư
Khoản 5 Điều 18 Điều lệ có quy định về việc thành lập chi nhánh Đoàn luật sư, tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, chưa có Đoàn Luật sư nào thành lập chi nhánh. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không khả thi, thiếu thực tiễn nên đề nghị bỏ.
4) Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật
- Trong quá trình chuẩn bị nhân sự Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn luật sư vẫn còn cách hiểu khác nhau về tiêu chí “Một luật sư chỉ được bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nhiều nhất ba (03) nhiệm kỳ liên tiếp.” quy định tại Khoản 1 Điều 21 Điều lệ, do trong Điều lệ chưa quy định rõ thời điểm để tính ba nhiệm kỳ liên tiếp, cũng như chưa rõ cách tính nhiệm kỳ (một Chủ nhiệm được bầu giữa nhiệm kỳ và được bầu làm Chủ nhiệm tiếp 2 nhiệm kỳ sau (đã là chủ nhiệm 2,5 nhiệm kỳ thì có coi là đã làm Chủ nhiệm 3 nhiệm kỳ liên tiếp hay không). Liên đoàn đã phải đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn để có cách hiểu thống nhất về vấn đề này.
- Điều 22 Khoản 1 Điều lệ Liên đoàn quy định “Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư là cơ quan tham mưu của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư trong công tác khen thưởng, kỷ luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo; do Đại hội luật sư bầu ra theo nhiệm kỳ của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư.” Điều lệ có quy định các tiêu chí để bầu chọn thành viên của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư. Tuy nhiên, liên quan đến Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư thì Điều lệ Liên đoàn chưa quy định cụ thể, Điều lệ không quy định Chủ nhiệm Đoàn luật sư, thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật hay không; Hội đồng có được sử dụng con dấu của Ban Chủ nhiệm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hội đồng hay không dẫn đến vướng mắc khi thực hiện.
5) Trong xử lý kỷ luật đối với luật sư
Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (Điều 41, 42, 43, 44) đã quy định về thẩm quyền chung về xử lý kỷ luật đối với luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Quy định về xử lý kỷ luật đối với luật sư. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa bao quát hết các trường hợp đặc thù như: luật sư bị xem xét, xử lý kỷ luật là thành viên hoặc là Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật hay thành viên Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn luật sư… dẫn đến khi phát sinh trong thực tế thì gặp lúng túng trong việc xem xét, giải quyết, xử lý kỷ luật đối với các đối tượng nêu trên, vì nếu Hội đồng khen thưởng, kỷ luật chưa thực hiện chức năng tham mưu đề xuất thì Ban Chủ nhiệm không thể đưa ra quyết định kỷ luật…
6) Các quy định khác của Điều lệ Liên đoàn
Một số quy định của Điều lệ còn trùng lặp, chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến có thể hiểu khác nhau gây khó khăn trong quá trình thực hiện Điều lệ, cần được rà soát, chỉnh sửa.
Sau phần báo cáo của Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Hội nghi đã tiến hành trao đổi, thảo luận. Có trên 20 lượt ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự liên quan đến những vấn đề được đặt ra trong báo cáo và một số vấn đề khác của Điều lệ như: Vấn đề chậm nộp phí thành viên; cơ quan đại diện LĐLSVN tại TPHCM; tiêu chuẩn Ban chủ nhiệm; vấn đề miễn nhiệm Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm; nhiệm kỳ của chủ nhiện Đoàn Luật sư; số lượng ủy viên Ban Thường vụ; phân công trách nhiệm phụ trách vùng trong Thường trực Liên đoàn; cơ cấu và trách nhiệm tham dự họp của ủy viên hội đồng luật sư toàn quốc; cơ cấu và điều kiện để tham gia các ủy ban; việc bồi dưỡng đội ngũ luật sư trẻ để tham gia ban lãnh đạo; vấn đề luật sư chuyên ngành, luật sư danh dự; số lượng luật sư tham dự đại hội; các điều kiện với những người từ các ngành khác chuyển sang luật sư….
Tổng kết Hội thảo, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn đã cảm ơn chuyên gia, các luật sư đã đóng góp ý kiến đối với dự thảo. Sau hội nghị này sẽ họp bàn cách tiếp thu ý kiến để đưa ra 1 điều lệ tương đối phù hợp với tổ chức, hoạt động của Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư để xây dựng phát triển được đội ngũ Luật sư, nghề luật sư, xây dựng liên đoàn vững mạnh./.
Comments