top of page

Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các LS thực hiện TGPL cho công dân tại Trụ sở tiếp CDTƯ

Writer's picture: LiendoanLuatsuVietnamLiendoanLuatsuVietnam

Thực hiện Chương trình phối hợp số 02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP- HLG-LĐLS, ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, ngày 16/4/2019, Ban Thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.


Tới tham dự và chủ trì Hội thảo có các ông: Ngô Sách Thực -  Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, LS. TS. Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và ông Nguyễn Hoàng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ. Gần 100 luật sư và cán bộ các đơn vị tham gia Chương trình đã tham dự Hội nghị.


​Khai mạc Hội nghị, ông Ngô Sách Thực đã thông báo vắn tắt kết quả 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 01, theo đó, các cơ quan liên quan ở Trung ương cũng như các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo cho cán bộ và nhân dân thông qua các buổi họp, sinh hoạt ở cộng dồng dân cư, các hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật...


Các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí được tổ chức thường xuyên tại Trụ sở tiếp dân Trung ương và hơn 60.000 lượt công dân ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Hoạt động này đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện, ngăn ngừa tranh chấp khiếu kiện phát sinh từ cơ sở, hạn chế phát sinh các vụ việc kéo dài, vượt cấp, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đã biểu dương các luật sư của các đoàn luật sư các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên đã tích cực tham gia trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp dân Trung ương những năm vừa qua. Từ năm 2015 đến 2108, đã có 761 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý cho 3212 lượt công dân. Các lĩnh vực trợ giúp pháp lý của luật sư khá đa dạng, bao gồm: tư vấn pháp luật, về cẩp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, chính sách đãi ngộ đối với người có công (có tới khoảng hơn 70% vụ việc liên quan tới các quan hệ pháp luật đất đai). Các vụ việc thường có nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau như: quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật tố tụng, quan hệ pháp luật thi hành án dân sự, quan hệ pháp luật đất đai, thừa kế….


Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam báo cáo kết quả công tác luật sư trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp dân Trung ương
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam báo cáo kết quả công tác luật sư trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp dân Trung ương

Khi thực hiện trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, Luật sư đã thực hiện đúng bổn phận và trách nhiệm nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân, nhân dân đã hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của họ trong các quan hệ pháp luật đang đi khiếu kiện. Đặc biệt là luật sư đã giải thích rõ cho người dân về trình tự thủ tục khiếu kiện, quyền nghĩa vụ khi khiếu kiện từ đó giúp cho họ biết là việc khiếu kiện có phù họp với pháp luật hay không? Luật sư đã trợ giúp pháp lý một cách trung thực, khách quan, độc lập, trên cơ sở pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Sau khi được luật sư tư vấn đa số người dân đều đã hiểu quyền, nghĩa vụ của họ, và một số người dân cũng không tiếp tục khiếu kiện.

Luật sư cũng phát hiện có trường hợp giải quyết của các cơ quan nhà nước chưa phù hợp với pháp luật, trong trường hợp đó, luật sư tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân để họ có thể thực hiện các quyền theo quy định pháp luật, không để cho cơ quan nhà nước và người dân hiểu nhầm là thông qua trợ giúp pháp lý luật sư có ý xúi giục dân khiếu kiện, đồng thời luật sư cũng có thể có kiến nghị với các cơ quan nhà nước nên nghiên cứu giải quyết triệt để vụ việc khiếu kiện đảm bảo quyền lợi hợp pháp người dân.

Nếu việc khiếu kiện của người dân không có đủ căn cứ pháp lý thì luật sư sẽ hướng dẫn để người dân cân nhắc việc khiếu kiện. Vì sẽ rất tốn công sức, tiền của mà sẽ không mang lại kết quà.

Hoạt động trợ giúp pháp lý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam thời gian vừa qua đã nhận được sự chỉ đạo của của Mặt trận Tồ quốc Việt Nam, sự phối họp chặt chẽ của Thanh tra Chính phủ nên công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Các Đoàn luật sư đã lựa chọn các luật sư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm khi tham gia trợ giúp pháp lý. Các luật sư trực tiếp tham gia trợ giúp pháp lý đều nghiêm túc thực hiện sự phân công của Liên đoàn và quy định, quy chế của Thanh tra Chinh phủ tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.


Ông Nguyễn Hồng Điệp trao đổi về yêu cầu và kinh nghiệm tiếp công dân
Ông Nguyễn Hồng Điệp trao đổi về yêu cầu và kinh nghiệm tiếp công dân

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số tồn tại cần khắc phục: Có một số luật sư khi tham gia trợ giúp pháp lý đến Trụ sở tiếp công dân muộn theo quy định; có luật sư do bận đột xuất báo nghỉ, không tham gia trợ giúp pháp lý theo lịch phân công cũng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động chung.

Nhiều luật sư đã phát biểu ý kiến về kinh nghiệm của cá nhân khi trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương cùng các kiến nghị với Ban Tiếp công dân Trung ương.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, với tư cách Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương và là người đã nhiều năm gắn bó tại Trụ sở này đã có cuộc trao đổi chân thành, thẳng thắn với các luật sư về điều kiện làm việc, đặc biệt là các tình huống mà các luật sư cần quan tâm khi nhận trách nhiệm trợ giúp pháp lý tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương để công việc của luật sư đạt hiệu quả.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam

19 views0 comments

Comments


bottom of page