TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó có các chế tài áp dụng đối với luật sư tham gia tố tụng. Việc ban hành pháp lệnh là rất cần thiết nhưng để việc xử phạt vi phạm được chính xác thì nên làm rõ về đối tượng, thẩm quyền xử phạt để tránh chồng chéo. Một số Luật sư có các ý kiến đóng góp như sau:
1.Về đối tượng bị xử phạt
Theo điểm d khoản 1 Điều 13 dự thảo pháp lệnh quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa: Không đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án hoặc khi HĐXX tuyên án hoặc không đứng khi trình bày ý kiến… mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép.
Điều này được hiểu nếu theo nội quy phiên tòa tại Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính, cá nhân khi trình bày ý kiến phải đứng nhưng lại ngồi mà không được chủ tọa đồng ý, gây trở ngại cho việc xét xử thì sẽ bị xử phạt.
Nhận định về vấn đề này, Luật Sư Nguyễn Đình Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý, Liên đoàn Luật Sư Việt Nam, cho biết pháp luật hiện hành chưa có văn bản nào quy định cụ thể về việc khi phát biểu Luật Sư phải đứng. Qua thực tế xét xử, để thể hiện sự tôn trọng với HĐXX, Luật Sư thường giơ tay xin phép và đứng lên khi phát biểu. Luật Sư Nguyễn Đình Hải cho rằng việc sử dụng cụm từ “cản trở” trong tên gọi của pháp lệnh làm cho nội hàm không có tính bao quát và gần như cụ thể hóa hành vi vi phạm. Trên thực tế, có rất nhiều vi phạm có tính chất xâm phạm các hoạt động tố tụng, mặc dù người vi phạm có lỗi nhưng họ không có mục đích cản trở hoạt động tố tụng nhưng vẫn bị xử lý vì hành vi cản trở hoạt động tố tụng, việc này dễ tạo ra sự tùy tiện khi xem xét, xử lý các hành vi vi phạm.
Còn theo Luật Sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật Sư thì việc người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự phải đứng lên để trình bày ý kiến đã được quy định tại khoản 9 Điều 234 BLTTDS 2015 và khoản 3 Điều 256 BLTTHS 2015.
“Trước đây, chúng ta chưa có chế tài để xử lý khi người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự không đứng lên để trình bày ý kiến của mình nên dự thảo pháp lệnh đã bổ sung” - LS Hậu nói.
Vì vậy, để tạo sự thống nhất trong cách hiểu cũng như để việc xử phạt được rõ ràng, pháp lệnh nên làm rõ đối tượng bị xử phạt là ai, thậm chí cần làm rõ nếu Luật Sư xét hỏi mà đứng khi chưa được chủ tọa cho phép thì có bị xử phạt không.
2.Chồng chéo về nhóm hành vi, thẩm quyền xử lý vi phạm
Theo dự thảo pháp lệnh, LS ngoài việc bị xử phạt tiền còn có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
Với chế tài này, LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, cho rằng cần phải xem lại quy định về thẩm quyền của thẩm phán, chánh án. Bởi hiện nay, việc xử phạt hành chính đối với LS đã được quy định tại Nghị định 82/2020.
Theo Nghị định 82, việc áp dụng chế tài tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn không thuộc thẩm quyền của chánh án và thẩm phán.
Ngoài ra, Nghị định 82/2020 đã có quy định chung nếu LS thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng thì bị phạt 20-30 triệu đồng.
Trong khi đó, dự thảo pháp lệnh lại quy định mức phạt đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng cụ thể; tùy hành vi là gì mà mức phạt là khác nhau.
Từ đây, LS kiến nghị cơ quan soạn thảo pháp lệnh cần rà soát để không mâu thuẫn, chồng chéo về nhóm hành vi, thẩm quyền xử lý vi phạm.
Comments