Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 27/11/2015 đã có nhiều điểm đổi mới, thể hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, trong đó trọng tâm là cải cách tư pháp về hình sự, tinh thần Hiến pháp mới 2013. Một trong những điểm mới nổi bật đó là chế định bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong tố tụng hình sự. Đây là một bước chuyển căn bản trong nhận thức và trong pháp luật thực định, khẳng định địa vị pháp lý, vai trò của người bào chữa trong việc thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo đảm tranh tụng dân chủ và phán quyết của Tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tuyên truyền phổ biến pháp luật, chia sẻ cùng các luật sư và những người hành nghề luật về quan điểm, nhận thức, quá trình xây dựng và hoàn thiện chế định bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (gọi chung là chế định bào chữa) trong Bộ luật tố tụng hình sự mới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia có kế hoạch xuất bản cuốn sách: “Những điểm mới về chế định bào chữa trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015” của Tiến sỹ, Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Trưởng (phụ trách) Tiểu ban Luật tố tụng hình sự, Thành viên Tổ biên tập sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự.
Đề cương tóm tắt quyển sách:
Chương I: Nhận thức chung về mô hình, chức năng, thực trạng bào chữa trong tố tụng hình sự
1.1. Một số vấn đề lý luận về địa vị pháp lý, vai trò của luật sư trong việc thực hiện chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, đấu tranh phòng chống tội phạm.
1.2. Thực trạng và vướng mắc của luật sư khi hành nghề tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự.
1.3. Chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và tinh thần mới của Hiến pháp 2013 là nền tảng đổi mới địa vị pháp lý và vai trò của luật sư trong TTHS.
1.4. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự án Bộ luật TTHS và một số đóng góp của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Chương II: Những điểm mới về chế định bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
2.1. Nhận thức mới về địa vị pháp lý của luật sư trong TTHS (chủ thể tư pháp độc lập thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự, thay đổi về quan niệm trong kỹ thuật lập quy, hình thành chương V mới về bào chữa, bảo vệ quyền lợi của bị hại, đương sự theo đề xuất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam).
2.2. Mở rộng diện, thời điểm tham gia tư vấn, bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người bị tình nghi phạm tội, bị hại, đương sự qua các giai đoạn tố tụng hình sự.
2.3. Tháo gỡ triệt để rào cản, hạn chế việc tham gia tố tụng của luật sư thông qua việc hủy bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
2.4. Những điểm mới trong Bộ luật TTHS quy định quyền và nghĩa vụ của luật sư trong bào chữa cho người bị tình nghi phạm tội, bảo vệ quyền lợi cho bị hại, đương sự (cụ thể hóa “quyền im lặng” cho phù hợp điều kiện mô hình TTHS ở Việt Nam; đặc biệt là quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, quyền tiếp cận độc lập với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam; bảo đảm tranh tụng trong xét xử, hình thành phán quyết từ kết quả tranh tụng…).
Dự kiến cuốn sách dày 300 trang (khổ 14,5cm x 21,5cm), sẽ được phát hành vào tháng 3 năm 2016. Nếu các luật sư và bạn đọc có nhu cầu đặt mua sách, xin vui lòng liên hệ:
NGUYỄN THỊ ÁI TRẦM Phòng phát hành Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tại TP. HCM Website: sachsuthattphcm.com.vn ĐT: 08.39325400 - 0908110323 Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Comments