top of page

Ghi chép về chuyến công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Nhật Bản (Kỳ VI)

Writer's picture: LiendoanLuatsuVietnamLiendoanLuatsuVietnam

KÝ SỰ NHẬT BẢN…

Kỳ VI: Những điều cảm nhận được từ chuyến đi…


Núi Fuji nhìn qua cửa tàu cao tốc Shinkensan từ Shizuoka về Tokyo sáng 9/12/2016
Núi Fuji nhìn qua cửa tàu cao tốc Shinkensan từ Shizuoka về Tokyo sáng 9/12/2016

Có thể nói, những ngày Đoàn công tác VBF triển khai các hoạt động theo chương trình đã được chi tiết hoá đến từng phút là những ngày thời tiết tại Thủ đô Tokyo và tỉnh Shizuoka rất đẹp. Nhiệt độ luôn dao động ở mức trên dưới 10 độ trong cái nắng chan hoà khắp phố phường, toả khắp những cánh đồng úa vàng khi mùa đông đã đến và đỉnh núi Fuji hùng vĩ hiện ra bên cửa sổ tàu cao tốc Shinkensan từ Shizuoka về Tokyo. Điều cảm nhận lớn nhất đọng lại trong tâm trí các thành viên trong Đoàn là tấm lòng nhiệt thành của luật sư đến từ Tokyo và tỉnh Shizuoka, mang đến tình cảm ấm áp về mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa người dân và đồng nghiệp hai nước.


Một góc Tokyo trên đường đến VPLS Nishimuara Asahi chiều 9/12/2016
Một góc Tokyo trên đường đến VPLS Nishimuara Asahi chiều 9/12/2016

Nhân chuyến công tác, các thành viên trong Đoàn đã đến thăm một số tổ chức hành nghề luật sư tại thủ đô Tokyo. Vào chiều ngày 9/12/2016, Đoàn đã chia làm hai nhóm đến VPLS Century và VPLS Tokyo Public. Các luật sư điều hành của VPLS Tokyo Public như Minoru Sawadam, Yumi Itakura, Arika Hironaka, Seiji Yamaura… đã nhiệt thành giới thiệu về một loại mô hình khá đặc biệt do Đoàn Luật sư Tokyo thành lập vào tháng 6/2002, trở thành “điểm tựa pháp lý của người dân” thành thị. Trong VPLS bao gồm cả Trung tâm tư vấn pháp luật Ikebukoro của Đoàn Luật sư Tokyo, đồng thời liên kết với Houterasu để giải quyết, tư vấn các vụ việc trong rất nhiều lĩnh vực của người dân. Từ năm 2010, VPLS thành lập bộ phận FISS (Foreign National anh International Service Section) với các luật sư, nhân viên thông thạo về ngoại ngữ và pháp luật nước ngoài để thực hiện tư vấn pháp lý cho người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản. Đặc biệt, VPLS này có những chức năng mà tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam không có như tiến cử luật sư đến các vùng có số lượng luật sư ít (sau 1 đến 2 năm vào VPLS sẽ được cử làm luật sư thành viên Houterasu), tiếp nhận và bồi dưỡng các chức danh tư pháp đến thực tập tại VPLS, cũng như các nhân viên tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc…  Thể thức hoạt động của VPLS rất đa dạng, từ vụ việc hôn nhân gia đình, giám hộ, tín dụng, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bồi thường thiệt hại, luật doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người tiêu dung, người nước ngoài. Mô hình này tại Tokyo có tới 6 VPLS, phục vụ chủ yếu cho các đối tượng cần có sự trợ giúp pháp lý trong các phạm vi vì lợi ích công cộng.


Thành phố Tokyo nhìn từ trên cao
Thành phố Tokyo nhìn từ trên cao

Luật sư Sumita Masahito phụ trách VPLS Century đã giới thiệu với Đoàn công tác VBF phạm vi và nội dung hoạt động rất chuyên sâu về lĩnh vực chuyên về M & A và phục hồi kinh doanh các doanh nghiệp nhỏ như hỗ trợ tài chính bằng cách khoanh nợ tại các tổ chức tài chính giao dịch, cổ phần hoá các khoản nợ, định lại thời gian trả nợ, kế hoạch cải thiện kinh doanh, thu lợi nhuận và tất toán. VPLS có 18 người, trong đó có 11 luật sư, được tích luỹ kinh nghiệm từ việc năng cao thương hiệu của VPLS thông qua việc làm tốt trách nhiệm, đẩy mạnh việc bồi dưỡng, toạ đàm, hoạt động xuất bản, truyền bá, đồng thời tham gia các hoạt động công ích như luật sư chỉ định, hoạt động luật sư trực ban, hỗ trợ sau động đất miền Đông Bắc Nhật Bản, tham gia hoạt động bào chữa y tế, hoặc cho người tiêu dùng…


Hai nhóm nhỏ của Đoàn đã hợp thành Đoàn chung để đến tham quan VPLS Nishimuara và Asahi là một trong VPLS lớn nhất Nhật Bản và nằm trong Top 50 các tổ chức hành nghề luật sư tại châu Á (theo bình chọn của www.legal.businessonline.com). Là một VPLS có quá trình và phát triển hợp nhất năng động, nhất là việc mở rộng hoạt động quốc tế từ năm 2010 (trong đó có 2 Văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), số lượng luật sư hiện tại lên tới trên 500 luật sư với tổng số lượng nhân viên 1.201 người, trong đó có khoảng 20 luật sư Việt Nam nằm trong số 29 luật sư nước ngoài.


Thay mặt cho Ban điều hành, Luật sư Masaki Hosaka phụ trách quản trị VPLS đã giới thiệu với Đoàn quan niệm điều hành lĩnh vực kinh doanh hiện nay ở một lĩnh vực không thể có chiến lược pháp lý hoàn thiện, mà thông qua dịch vụ pháp lý tổng hợp xử lý liền mạch các vấn đề liên quan, xây dựng giải pháp có giá trị và hiệu quả nhất cho khách hàng, hỗ trợ chiến lược pháp lý phạm vi rộng bằng “một cửa”. Ông ví von “tài nguyên quan trọng nhất của chúng tôi là chuyên môn cao và năng lực xuất sắc của các cá nhân”. Nơi đây quy tụ các luật sư giỏi về tư vấn thuế, sở hữu trí tuệ, thông thạo nhiều lĩnh vực rộng rãi và pháp luật các quốc gia, tập trung các năng lực đa dạng tạo thành nhất thể. VPLS Nishimuara Asahi hiện mong muốn đóng vai trò lãnh đạo trong việc phát triển ý thức cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng pháp luật.


Đại diện VPLS đã vui vẻ trả lời các câu hỏi của từng thành viên trong Đoàn, đánh giá cao về năng lực của các luật sư Việt Nam tại VP đại diện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, giới thiệu kỹ hơn về cơ chế điều hành VPLS và cách thức phân chia lợi nhuận…


Đám cỏ lau lấp lánh dưới ánh mặt trời đầu đông tỉnh Chiba sáng ngày 11/12/2016
Đám cỏ lau lấp lánh dưới ánh mặt trời đầu đông tỉnh Chiba sáng ngày 11/12/2016

Sau ngày nghỉ cuối tuần, có điều kiện thăm thú một vài nơi tại Thủ đô Tokyo, các thành viên trong Đoàn công tác lại nhóm họp tại trụ sở JFBA để cùng các chuyên gia đánh giá về kết quả chuyến khảo sát tại Nhật Bản. Theo thông lệ, mỗi thành viên trong Đoàn sẽ trình bày chỉ trong 2 phút về cảm nhận của mình về chương trình đào tạo và những kết quả thu nhận được. Hầu như mỗi thành viên, với cách tiếp cận khác nhau, đều nói lên cảm tưởng chung về tính hữu ích của chương trình được hoạch định một cách công phu, chi tiết và chu đáo, sự tận tình, mến khách của các đồng nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, nội dung của chương trình lần này là tìm hiểu hệ thống cấu trúc tổ chức và vận hành của JFBA cùng các Thường trực, Ban thường vụ và các Uỷ ban liên quan, mối quan hệ với các Đoàn Luật sư địa phương.


Thường trực VBF chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo JICA và Uỷ ban Hợp tác quốc tế JFBA trưa ngày 12/12/2016
Thường trực VBF chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo JICA và Uỷ ban Hợp tác quốc tế JFBA trưa ngày 12/12/2016

Các luật sư thành viên Việt Nam cũng dành nhiều thời gian để đánh giá về mô hình luật sư trực ban hình sự, chế định luật sư chỉ định trong tố tụng hình sự và mô hình VPLS công phục vụ lợi ích công cộng do Đoàn Luật sư Tokyo tổ chức, đồng thời hy vọng sẽ tiếp thu được những kinh nghiệm quý nhằm thí điểm xây dựng chế độ luật sư trực ban hình sự trong thời gian tới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và mô hình tố tụng hình sự của Việt Nam.


Cuối buổi tổng kết là nghi lễ trao Giấy chứng nhận tham gia khoá đào tạo do đại diện tổ chức JICA cấp cho từng thành viên trong Đoàn công tác.


Luật sư Nguyễn Minh Tâm nhận chứng chỉ khoá đào tạo của JICA vào trưa ngày 12/12/2016
Luật sư Nguyễn Minh Tâm nhận chứng chỉ khoá đào tạo của JICA vào trưa ngày 12/12/2016

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã đến chào xã giao, thăm và có cuộc trao đổi chân tình với Đại sứ Nguyễn Quốc Cường tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản. Ông Đại sứ với trải nghiệm lâu năm trong ngành ngoại giao, đã từng làm Đại sứ Việt Nam tại Canada, Hoa Kỳ và nay là Nhật Bản, đã giới thiệu những kết quả hoạt động đối ngoại giữa hai quốc gia. Có thể nói, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển nồng ấm, với sự tin tưởng về chính trị rất cao và cởi mở, trong đó trọng tâm là thúc đẩy xây dựng thể chế và pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông cũng dành nhiều thời gian trao đổi với Đoàn về những cơ hội hợp tác giữa luật sư Việt Nam và Nhật Bản, sẵn sàng làm cầu nối để thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng phát triển.


Về phần mình, LS. TS Đỗ Ngọc Thịnh đã thay mặt Đoàn công tác bày tỏ cám ơn đến ông Đại sứ đã dành thời gian tiếp Đoàn, nêu lên một số kết quả hoạt động của VBF và các Đoàn Luật sư trong cả nước thời gian qua, đồng thời thông tin nhanh về kết quả chuyến công tác của Đoàn VBF. Nhân dịp này, VBF cũng mong muốn ông Đại sứ bên cạnh duy trì những hoạt động đối ngoại chung, sẽ quan tâm hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa tổ chức luật sư hai nước. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã vui vẻ chụp ảnh lưu niệm chung với Đoàn


Đoàn công tác VBF đến chào xã giao Đại sứ Nguyễn Quốc Cường tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản chiều 12/12/2016
Đoàn công tác VBF đến chào xã giao Đại sứ Nguyễn Quốc Cường tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản chiều 12/12/2016

Đây là hoạt động cuối cùng của Đoàn công tác VBF tại Nhật Bản, các thành viên chuẩn bị cho chuyến bay từ sân bay quốc tế Narita về hai đầu đất nước là sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào chiều tối ngày 13/12/2016, lại đối diện với những ngày tháng bận rộn hành nghề vất vả đầy áp lực đang chờ đợi trước mắt.

Tạm biệt những ngày đầu đông nắng vàng rực rỡ Tokyo, tạm biệt các đồng nghiệp và người dân Nhật Bản mến khách, với tình cảm nồng ấm đã dành cho các thành viên trong Đoàn công tác VBF…


Bài và ảnh: HOÀNG NAM

9 views0 comments

Commentaires


bottom of page