Kỳ 8: Sự độc lập của nghề Luật sư
Chuyên đề “Sự độc lập của nghề Luật sư” đã thu hút sự có mặt của hầu hết đại diện các Hiệp hội Luật sư của các nước tham gia Hội nghị thường niên IBA 2016 tại Washington DC bởi nội dung của chuyên đề đã động chạm tới bản chất của nghề Luật sư.
Vào tháng 2/2015, IBA đã thành lập một Nhóm nghiên cứu, sau đó, trên cơ sở kết quả của Nhóm nghiên cứu, IBA đã có bản báo cáo chính thức về sự độc lập của nghề Luật sư. Báo cáo đã đánh giá toàn diện về những yếu tố và điều kiện tác động đến hoạt động của nghề Luật sư, từ đó có thể khuyến cáo xây dựng phát triển nghề Luật sư ở mỗi Quốc gia và trên thế giới.
Ông Davit W Rivkin, Chủ tịch IBA, trong phát biểu khai mạc chuyên đề về sự độc lập của nghề Luật sư đã cho rằng mỗi một Liên đoàn Luật sư ở các nước cần phải nhận diện đầy đủ về những thách thức đối với tính độc lập của nghề Luật sư. Mỗi một nước phát triển và nước đang phát triển cần có những sáng kiến để đảm bảo cho tính độc lập của nghề Luật sư. Tính bảo mật của nghề Luật sư đối với các thông tin từ khách hàng cần phải được đảm bảo và tôn trọng. Bảo mật trong hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp cần phải có những quy định về khía cạnh pháp lý ở mỗi nước. Đó là những vấn đề gặp phải trong quan hệ hành nghề luật sư, do đó cần phải ngồi với nhau để cùng xem xét từng vấn đề vì nó liên quan đến hoạt động hành nghề Luật sư.
Các diễn giả và các đại biểu tham dự tọa đàm chuyên đề về sự độc lập của nghề Luật sư đã phân tích các khía cạnh khác nhau khi nêu lên bản chất của nghề Luật sư cũng như tính độc lập của nghề Luật sư với những yếu tố và điều kiện tác động đến tính độc lập của nghề Luật sư ở mỗi nước và nghề Luật sư trên thế giới hiện nay. Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng tính độc lập của nghề luật sư không phải từ trên trời rơi xuống, mà đó chính là quá trình vun đắp xây dựng phát triển của mỗi một Quốc gia và của chính đội ngũ Luật sư trong hoạt động nghề nghiệp. Do đó, tính độc lập của nghề nghiệp Luật sư trước tiên phải được Pháp luật ở mỗi nước quy định, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của Luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng và cộng đồng xã hội. Trên cơ sở đó yêu cầu các Luật sư cần phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quá trình hành nghề để phụng sự xã hội và tạo lập sự tin cậy của khách hàng và cộng đồng xã hội.
Tính độc lập của nghề Luật sư có mối quan hệ với thể chế Dân chủ của mỗi nước, trong đó không phải chỉ có quyền và nghĩa vụ của Luật sư được Pháp luật quy định và được thực hiện nghiêm túc, mà còn liên quan tới quyền con người và quyền, nghĩa vụ công dân cũng phải được Pháp luật quy định và phải được tôn trọng thực hiện.
Quyền và nghĩa vụ của Công dân có mối quan hệ tới quyền và nghĩa vụ của Luật sư trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý, trong đó có chất lượng của các dịch vụ pháp lý và tính bảo mật cho khách hàng là một trong những yếu tố cốt lõi.
Tính độc lập của nghề Luật sư trong mối quan hệ với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, Luật sư và nghề Luật sư đang trở thành một trong các yếu tố không thể thiếu được trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở mỗi nước. Cùng với các cơ quan công quyền của Nhà nước trong việc bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, bảo vệ Công lý, bảo vệ Pháp chế, bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của các Cá nhân, Công dân, các tổ chức kinh tế xã hội luôn là trách nhiệm của bất kỳ Nhà nước nào. Nhưng Luật sư và nghề Luật sư sinh ra cũng không nằm ngoài bổn phận đó, khi người dân hay một tổ chức kinh tế xã hội nào có nhu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý thì họ có thể nhờ và trông cậy vào luật sư. Các chủ thể đó tìm đến Luật sư, nghề Luật sẻ như là những người bạn đồng hành để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của họ đã được luật pháp quy định.
Tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động Luật sư khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng không những đã giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng mà còn tạo lập niềm tin của họ, gia đình họ và những người khác tin vào Công lý, Công quyền và Pháp chế. Hoạt động của Luật sư cũng đã góp phần làm cho các cơ quan Nhà nước thực hiện, áp dụng đúng pháp luật, bộ máy nhà nước hoạt động lành mạnh hơn.
Giá trị xã hội của hoạt động Luật sư trong xây dựng Nhà nước pháp quyền đã trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu được, chính vì vậy, tính độc lập của nghề Luật sư đã trở thành những cấu thành trong chế độ dân chủ và nhà nước pháp quyền.
Tính độc lập của nghề Luật sư trong quan hệ với Chính trị và Quyền lực Nhà nước thể hiện trong xây dựng pháp luật với các quyền và nghĩa vụ của Công dân, quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và quản lý xã hội về sự tôn trọng tới quyền tự do cá nhân và quyền và lợi ích hợp pháp của Công dân
Trong mỗi một Quốc gia, tính độc lập của nghề Luật sư có quan hệ với tính độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử. Nếu Thẩm phán không bảo đảm được tính độc lập và chỉ tuân theo Pháp luật trong hoạt động xét xử, thì tính độc lập của nghề Luật sư cũng không thể có được. Mối quan hệ về tính độc lập của nghề Luật sư trong hoạt động Tư pháp là thuộc tính bản chất nghề nghiệp luật sư: khách quan, trung thực, bảo vệ lợi ích tốt nhất cho khách hàng trên cơ sở luật pháp và đạo đức nghề nghiệp.
Trong báo cáo của nhóm nghiên cứu IBA đã cho rằng có tới khoảng 50 các yếu tố và điều kiện sẽ ảnh hưởng và chi phối tới tính độc lập của nghề Luật sư, kể cả những mặt trái và tiêu cực mà Luật sư cần phải nhận diện trong hoạt động nghề nghiệp kể cả những hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm của Luật sư không phải chỉ có trách nhiệm với khách hàng mà còn có trách nhiệm với xã hội trong việc bảo vệ công lý, công bằng để tạo lập niềm tin với khách hàng với cộng đồng xã hội và với Nhà nước.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Comments