Kỳ 4: Chống tham nhũng trong Hoạt động Tư pháp, chìa khóa xây dựng hệ thống Tư pháp hiệu quả
Sáng 19.9.2016, tại khách sạn Washington Mariott Wardman Park, IBA đã tổ chức hội thảo với chủ đề : chống tham nhũng trong hoạt động Tư pháp, chìa khóa xây dựng hệ thống tư pháp hiệu quả.
Chủ trì Hội thảo là Chủ tịch Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA), ông David W Rivkin cùng với các diễn giả chính bao gồm Chánh án Tòa án Tối cao Singapore, Chánh án Tòa án bang Queen’s Land – Australia, đại diện Hiệp hội Công tố viên quốc tế đóng tại The Hague (Hà lan), đại diện Tổ chức minh bạch Quôc tế và một số diễn giả khác.
Tham dự hội thảo có khoản hơn 300 Luật sư từ nhiều quốc gia. Đoàn công tác của VBF do Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch VBF dẫn đầu cùng các thành viên trong đoàn đã tham dự buổi Hội thảo này.
Nội dung Hội thảo đề cập đến nhiều vấn đề và khía cạnh của lĩnh vực chống tham nhũng trong Hoạt động Tư pháp.
Hiệp hội Luật sư Quôc tế (IBA) đã đưa ra một chương trình chống tham nhũng trong hoạt động nghề nghiệp của các Luật sư. IBA đã xây dựng một chương trình mẫu có thể áp dụng ở nhiều Quốc gia.
Theo sáng kiến của Singapore, IBA đã tiến hành khảo sát tại một số Thành viên và xác định có hai phát hiện quan trọng về các hành vi tham nhũng là Đưa và Nhận Hối lộ và Lạm dụng Quyền lực Nhà nước, Quyền lực Chính trị để Nhận Hối lộ. Các hành vi này diễn ra ngay cả trong giao dịch khối tư nhân và xã hội, trong khi lạm dụng quyền lực Nhà nước diễn ra trong khối công quyền, trong đó có hệ thống Tư pháp.
Ảnh hưởng và hậu quả xấu của tham nhũng không chỉ tồn tại trong một nhóm xã hội, mà còn ảnh hưởng tới cả sự phát triển, trong đó có môi trường lành mạnh của cả một Quốc gia. Các Nhà đầu tư sẽ không thể đầu tư kinh doanh sản xuất vào một đất nước mà nền Tư pháp không minh bạch và hoạt động không hiệu quả, với các thủ tục hành chính tiềm tàng dẫn đến các hành vi tham nhũng.
Hệ thống Tòa án không minh bạch và có biểu hiện tham nhũng sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của Xã hội vào một nền Công lý, Công bằng xã hội.
Nếu không có một Hệ thống Pháp luật hoàn thiện, tham nhũng sẽ ngày các tăng lên, đặc biệt ở một số nước đang phát triển.
Hoạt động xét xử của Tòa án cần bảo đảm Thẩm phán độc lập trong xét xử. Nhưng mặt khác cũng cần bảo đảm an ninh an toàn cho Thẩm phán. Quá trình đạo tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm Thẩm phán cũng có ảnh hưởng tới những vấn đề tham nhũng trong hoạt động Tư pháp của Quốc gia.
Cần nhận diện những hoạt động tiêu cực của Luật sư có liên quan tới hoạt động tham nhũng, để phòng chống Tham nhũng có sự tham gia và thông qua các hoạt động của Luật sư, vì Tham nhũng không chỉ xảy ra trong các Cơ quan Công quyền, mà còn xảy ra trong các giao dịch của Khối Tư nhân và xã hội.
Khi phát hiện có những hành vi tham nhũng trong hoạt động Tư pháp thì hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cũng bị tác động, ảnh hưởng từ nhiều nguồnkhác nhau, áp lực lên những hoạt động này không phải là nhỏ. Do đó việc bảo đảm an ninh an toàn cho Công tố viên, Thẩm phán trong quá trình điều tra truy tố xét xử cũng cần đặt ra.
Các diễn giả và các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhấn mạnh tới tính Minh bạch trong các hoạt động không chỉ của Tòa án (minh bạch trong Hoạt động Tư pháp), mà còn của các Tổ chức Kinh tế xã hội khác. Minh bạch để nâng cao môi trường xã hội, tạo hệ thốnggiám sát và hệ thống xét xử hiệu quả của các Quốc gia. Do đó phòng chống tham nhũng không chỉ trong khối Tư pháp, mà cần sự vào cuộc của nhiều tổ chức kinh tế xã hội khác nhau, để có những nguồn lực thực hiện với những sáng kiến và giải pháp phù hợp. Các đại biểunhấn mạnh tới vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư trong việc xác minh, điều tra tới các Luật sư có liên quan đến tham nhũng với các hình thức xử lý vi phạm của Luật sư để góp phần vào việc chống và ngăn chặn tham nhũng. Mặt khác, các tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư cũng cần bảo vệ Luật sư khi họ có những hành vi chống tham nhũng. Do đó hoạt động chống tham nhũng rất cần sự tham gia và vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội cùng tham gia.
Các đại biểu cho rằng mô hình chống tham nhũng trong các hoạt động Tư pháp ở Singapore và Anh quốc là tương đối hiệu quả, nhưng không phải là không còn tham nhũng trong hoạt động Tư pháp ở các Quốc gia đó. Mô hình đó cũng chưa được coi là hoàn hảo nhất, và cần phải tiếp tục hoàn thiện trên các mặt xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện và sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội, kể cả việc chuẩn bị các nguồn lực cho việc chống tham nhũng, vì chống tham nhũng không phải chỉ có thể bằng lời nói mà luôn phải bằng hành động cụ thể.
Ông chủ tịch IBA đã khuyến cáo các Luật sư có thể tham gia tích cực và ký vào chương trình chống tham nhũng do các Hiệp hội Luật sư quốc gia phát động, bởi vì Luật sư và Thẩm phán luôn là các chủ thểđòi hỏi tính tuân thủ rất cao trong việc chống tham nhũng để góp phần xây dựng một hệ thống Tư pháp minh bạch, hiệu quả.
Ông Chủ tịch IBA David W Rivkin và bà Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Christine Lagarder, trong buổi khai mạc Hội nghị thường niên IBA 2016 đã cùng thống nhất cho rằng Luật sư không những có vai trò đóng góp vào chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp, mà còn có thể đóng góp chống tham nhũng trong các tổ chức Kinh tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF một cách hiệu quả. Vai trò đó là hết sức quan trọng của đội ngũ Luật sư, cần phải được khuyến khích và ghi nhận.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Comments