ĐẾN VỚI ĐỒNG NGHIỆP ĐẤT NƯỚC MẶT TRỜI MỌC
Kỳ III: Ấn tượng Hội Luật sư Aichi
07 giờ 50 phút ngày 20/01/2016, Đoàn công tác ra ga Tokyo, đi tàu siêu tốc Shinkansen về thành phố Nagoya thuộc tỉnh Aichi để nghiên cứu, khảo sát hoạt động của Hội luật sư tỉnh Aichi và dự khán phiên tòa hình sự tại Tòa án cấp tỉnh tại Nagoya. Với vận tốc tàu chạy 300 km/giờ, chỉ mất 01 giờ 40 phút, Đoàn đã đến nơi. Aichi là một tỉnh phát triển mạnh, đứng thứ ba của Nhật Bản, sau Tokyo và Osaka. Nagoya là thành phố trung tâm của Aichi, nơi có Công ty Toyota nổi tiếng toàn cầu và nhiều công ty, chi nhánh có tiếng. Tuyết mới ngưng rơi nên không chỉ núi Phú Sĩ tuyết phủ trắng quanh năm mà những cánh đồng, mái nhà, xe hơi, đường phố, vẫn còn những lớp tuyết đọng dầy đặc. Lịch làm việc suốt chuyến công tác được nước bạn sắp xếp tính đến từng phút nên vừa đến trụ sở Hội luật sư tỉnh Aichi đặt tại thành phố Nagoya lúc 11 giờ, Đoàn công tác vào hội trường ngay để nghe Luật sư Tsukahara Masanori - chuyên gia dự án JICA giải thích về tố tụng hình sự để chuẩn bị cho việc xem phiên tòa hình sự tại Tòa án Nagoya vào ngày 21/01/2016.
Chú trọng đào tạo cho luật sư mới đăng ký 12 giờ Đoàn công tác nghỉ và ăn cơm hộp tại hội trường. Đến 13 giờ, Luật sư Ozeki EsaKu – Phó chủ tịch Ủy ban điều hành trung tâm đào tạo, Ủy viên Ủy ban đặc biệt hỗ trợ bồi dưỡng hội viên trẻ của Hội luật sư Aichi giới thiệu về thực trạng và triển vọng bồi dưỡng và hỗ trợ luật sư mới đăng ký gia nhập Hội luật sư Aichi (hội viên mới). Theo đó, có nhiều cách thức để bồi dưỡng và hỗ trợ cho luật sư trẻ.
Thứ nhất, là chương trình thực tập dành cho hội viên mới. Đây là khóa thực tập bắt buộc theo điều lệ của Hội. Mục đích chính là trang bị cho hội viên mới kiến thức, kỹ năng tối thiểu để làm luật sư. Về mặt đạo đức thì hội viên mới cũng được đào tạo song song với chương trình do Liên hội Luật sư Nhật Bản đưa ra. Chương trình thực tập này chia thành nhiều đợt trong năm (tháng 2, 7, 10 và tháng 3 năm sau) bao gồm bài giảng và nghiên cứu tình huống về các chủ đề: đạo đức luật sư, tự trị của luật sư, tổng quan về nhân quyền, ly hôn, thiệt hại của người tiêu dùng, bảo toàn tài sản và thực thi, tư vấn pháp lý và hiệu quả, thừa kế, phá sản, lao động, người nước ngoài, giao lưu kinh nghiệm bào chữa hình sự. Thứ hai, là chế độ kèm cặp của luật sư đàn anh (luật sư có thâm niên) đối với luật sư đàn em (luật sư mới đăng ký vào tháng 01 hàng năm) tổ chức khoảng 07 buổi học và buổi gặp trong năm. Theo đó, Hội luật sư Aichi sẽ chia ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm gồm 10 luật sư đàn em và ba luật sư đàn anh có thâm niên khác nhau (người thứ nhất đã có kinh nghiệm làm Phó chủ tịch Hội luật sư hoặc trong giai đoạn rèn luyện có thâm niên tương đương, người thứ hai có trên dưới 10 năm kinh nghiệm hành nghề, người thứ ba có từ 2- 3 năm, kể từ ngày đăng ký). Mục đích là luật sư đàn anh trang bị năng lực, tố chất, nghiệp vụ cho luật sư đàn em để hành nghề và giúp họ thu thập, trao đổi thông tin, công tác của Hội luật sư Aichi. Động cơ dẫn đến Hội luật sư Aichi thực hiện chế độ đào tạo này từ tháng 12/2009 đến nay là: Trong thời gian khá dài, Hội luật sư Aichi được cho là có quy mô phù hợp về số người đăng ký. Mặc dù là Hội luật sư đứng thứ ba sau Osaka và Tokyo nhưng Hội luật sư Aichi được mệnh danh là Hội luật sư mà các hội viên “được nhìn thấy mặt nhau”. Nhờ vậy, hội viên giao lưu được với nhau, hiểu biết sâu sắc, hãnh diện về đạo đức luân lý nghề của mình. Tuy nhiên, do sự gia tăng của số người đăng ký nên số hội viên ngày càng tăng, dẫn đến các hội viên khó biết mặt nhau, sao nhãng tham gia chương trình, hoạt động của Hội. Trước tình hình này, cùng với đòi hỏi giữ đều năng lực của luật sư nên Hội luật sư Aichi đã có chế độ này. Trong chế độ này, luật sư đàn anh hướng dẫn hay có thể mời người khác làm giảng viên tổ chức học tập theo đề tài do luật sư đàn em chọn. Nơi thực hiện chế độ này có khi tại văn phòng luật sư hay thuê phòng trong quán ăn, uống đối với buổi học nào có tính chất giao lưu. Thứ ba, là chế độ bàn hỗ trợ: hội viên giàu kinh nghiệm tư vấn cho các hội viên trẻ có không quá năm năm kể từ khi đăng ký về các vấn đề phát sinh trong công việc, nghiệp vụ. Thứ tư, là chế độ đỡ đầu: dành cho các luật sư không thuộc tổ chức hành nghề luật sư nào khi đăng ký mà mở văn phòng luật sư độc lập hoặc độc lập trong vòng một năm sau khi đăng ký. Theo đó, Hội luật sư Aichi chọn luật sư phụ trách hướng dẫn và luật sư mới tới làm việc tại văn phòng luật sư hướng dẫn trong sáu tháng. Ngoài ra, còn có chế độ hỗ trợ mới như: Hội luật sư Aichi thành lập Ủy ban nghiên cứu cách thức hỗ trợ hội viên mới để nghiên cứu có nên hỗ trợ về tài chính đối với hội viên mới mắc nợ tiền học của nhà nước hay không? Tăng số lần trả góp phí bảo dưỡng trụ sở Hội (mà hội viên nào cũng phải nộp) cho các hội viên mới.
Trưởng Đoàn công tác – Tiến sĩ, luật sư Phan Trung Hoài cảm ơn Hội luật sư Ai chi đã cung cấp cho Đoàn kinh nghiệm về đào tạo luật sư mới đăng ký gia nhập. Việc đào tạo này phong phú, sáng tạo, giúp luật sư mới gia nhập có cơ hội cọ xát, học hỏi các luật sư có thâm niên và gắn bó với Hội. Luật sư Phan Trung Hoài cho biết từ năm 2015, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đặt trọng tâm chương trình bồi dưỡng bắt buộc cho các luật sư theo quy định pháp luật. Đã có hơn 6274 luật sư tham gia lớp bồi dưỡng này với 74 lớp ở các tỉnh, thành phố. Đối với những Đoàn luật sư lớn như Hà Nội (2465 luật sư), Thành phố Hồ Chí Minh (4165 luật sư) thì nhiều luật sư không thể biết hết mặt nhau. Do đó, để gặp mặt, bồi dưỡng, giao lưu giữa các luật sư, nhất là các luật sư mới gia nhập Đoàn là không đơn giản. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển luật sư thì cần cố gắng đến năm 2020, có 18.000 đến 20.000 luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang cố gắng hình thành Trường đào tạo riêng, nỗ lực xây dựng giáo trình để hướng dẫn những luật sư mới nhưng việc này, còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Luật sư Phan Trung Hoài đặt vấn đề về việc với nhiều chuyên đề hướng dẫn luật sư, nhưng nếu không được cập nhật nội dung mới sẽ kém hấp dẫn không? Theo Luật sư Ozeki EsaKa, tài liệu này là đề cương, giảng viên phụ trách đề tài nào sẽ chuẩn bị giáo trình cho phù hợp và luôn được cập nhật. Mặt khác, lực lượng giảng viên cũng có sự thay đổi nên giáo trình cũng phong phú. Đối với đào tạo về đạo đức, luân lý nghề luật sư thì Ủy viên Ủy ban đạo đức sẽ hướng dẫn học tập mang tính chất giải thích về những quy định đạo đức.
Đưa luật sư đến gần cộng đồng hơn
Sau phần giới thiệu rất khái quát Hội luật sư Aichi hiện có 1800 hội viên, 60 nhân viên, 77 văn phòng, 05 chi nhánh, đứng thứ ba ở Nhật Bản. Ban lãnh đạo chủ chốt của Hội gồm một Hội trưởng (đang đi công tác ở Tokyo) và 05 Phó hội trưởng. Luật sư Shoji Toshiya là người cởi mở, vui tính, cũng là Phó hội trưởng đã thay mặt Hội luật sư Aichi bày tỏ niềm vui khi Đoàn công tác đã không quản đường xá xa xôi, tuyết rơi lạnh giá đến với Hội. Hội Luật sư đã tặng bức tranh vẽ núi Phú Sĩ theo kỹ thuật gốm sứ thất bảo bảy màu khác nhau, với mong muốn thắt chặt tình hữu nghị lâu dài của đôi bên. Đáp lại, Trưởng Đoàn - Tiến sĩ, luật sư Phan Trung Hoài đã bày tỏ sự hân hạnh, xúc động trước tấm thịnh tình của Hội luật sư Aichi, xem việc đến Hội luật sư Aichi là cơ hội để Đoàn công tác học hỏi và trao tặng lại Hội luật sư Aichi bức chạm khắc trống đồng Đông Sơn có in hình bản đồ Việt Nam.
Để giới thiệu nhiều hơn về Hội luật sư Aichi, Luật sư Shoji Toshiya đã mời Đoàn công tác đi tham quan trụ sở của Hội. Luật sư Shoji Toshiya cho biết trụ sở của Hội là tòa nhà cao năm tầng, được xây dựng trên đất thuê của Tòa án cấp tỉnh tại Nagoya, kinh phí xây dựng, bảo dưỡng tòa nhà do các hội viên của Hội đóng góp. Trụ sở Hội có nhiều phòng làm việc, tiếp khách, thư viện… và nối với Tòa án cấp tỉnh Nagoya bằng hành lang và cầu thang dài. Cũng như bao hội luật sư khác ở Nhật Bản, Hội luật sư Aichi cũng tự trị (độc lập với nhà nước và chính quyền địa phương) theo luật định và cố gắng nâng cao sự tự trị của mình thông qua mọi hoạt động của Hội do các thành viên Hội đóng góp hội phí và chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện hoạt động để Hội mình có vị trí, vai trò quan trọng, uy tín cao trong xã hội. Theo Luật sư Shoji Toshiya, ở Nhật Bản, cũng có những người không hiểu luật sư làm những công việc gì, liệu có giúp gì được cho những người đang gặp rắc rối, tranh chấp hay không? “Thầm thì” với từng người dân để họ hiểu về chức năng, vai trò, vị trí của Hội luật sư Aichi và từng thành viên luật sư của mình thì không khả thi, hiệu quả thấp. Vậy nên Hội đã làm cuốn sách mỏng có tên “Công việc của luật sư là gì?” giới thiệu đến người dân. Cuốn sách này xác định: “Hội luật sư bám sát cuộc sống và gần gũi với các bạn”, mô công việc của luật sư là gì? Giải thích vụ việc dân sự, gia đình, hình sự là gì, luật sư sẽ làm gì để giúp đỡ khách hàng trong những vụ việc này (lắng nghe, tìm hiểu chuyên môn, tổ chức giải quyết, các hoạt động của luật nhằm giải phóng đối tượng, nhằm không bị khởi tố, các hoạt động sau khơi tố, các hoạt động ngăn ngừa tái phạm…Bên cạnh đó, sách này cũng giải thích Hội luật sư là tổ chức làm những công việc gì, giới thiệu các hoạt động (bảo vệ nhân quyền, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật, hỗ trợ doanh nghiệp, bào chữa hình sự…). mục đích thành lập Hội luật sư Aichi, có chức năng, quyền hạn gì? Buổi giao lưu thắm tình đồng nghiệp Sau phần trao đổi và nghiên cứu những nội dung khác như biện pháp đối phó cản trở nghiệp vụ, giải thích thủ tục tố tụng hình sự (sẽ phản ánh những kỳ sau) của Nhật Bản Hội luật sư Aichi đã tổ chức giao lưu với Đoàn công tác ngay vào tối 20/1/2016. Bên cạnh những tâm tình nghề nghiệp, luật sư hai bên đã giao lưu văn nghệ. Mặc dù vất vả từ Tokyo đến Nagoya học tập từ hơn 09 giờ sáng đến gần 07 giờ tối, chưa về nơi nghỉ nhận phòng cất hành lý nhưng nhiều thành viên Đoàn công tác vẫn còn nhiều năng lượng. Thế nên dù không có dàn nhạc nhưng tốp ca kèm theo múa minh họa “Tình bằng có cái trống cơm”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của tốp ca các luật sư, trong đó có cả tiết mục ca cải lương của Luật sư Trần Văn Sáu đến từ An Giang, quan họ Bắc Ninh của Luật sư Nguyễn Thế Uyên lúc đầy khí thế, lúc ngọt mía lùi làm các đồng nghiệp Nhật Bản vỗ tay nhiệt liệt. Tiếp đó, các luật sư Hội luật sư Achi cũng đã đơn ca, tốp ca, múa…những bài hát truyền thống, hiện đại làm cho không buổi giao lưu càng lúc càng đầm ấm, vui vẻ.
Phát biểu kết thúc buổi giao lưu, Luật sư Tsukahara Masanori - chuyên gia dự án JICA đã nêu dù luật sư hai nước Nhật - Việt có những khác biệt về chế độ chính trị, kinh tế, có sự khác nhau giữa tự trị và tự quản cùng những quy định pháp luật khác nhưng luật sư ở đâu cũng vậy, cũng phải có tấm lòng của người luật sư, có sứ mệnh cao cả của luật sư là bảo vệ quyền cơ bản của con người, thực hiện công bằng xã hội và nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đó. Quyến luyến chia tay nhau, “Đã tham dự nhiều buổi giao lưu nhưng buổi giao lưu hôm nay vui chưa từng có”. Luật sư Yamaguchi Keiji - Ủy ban giao lưu quốc tế nói với sự gật gù của nhiều luật sư đứng xung quanh.
Comments