ĐẾN VỚI ĐỒNG NGHIỆP ĐẤT NƯỚC MẶT TRỜI MỌC
Kỳ V: Giải pháp phòng, chống hành vi cản trở luật sư hành nghề
Từ một hồi ức buồn…
Trình bày với Đoàn công tác về việc phòng chống cản trở luật sư hành nghề ở Nhật Bản, luật sư Takizawa Hidetoshi - Phó chủ nhiệm Ủy ban đối phó với sự cản trở công việc của luật sư thuộc Liên hội luật sư Nhật Bản (JFBA) đã nhắc đến một hồi ức buồn, nhưng đó lại là đỉnh điểm để JFBA và rất nhiều Hội luật sư trong cả nước quyết tâm thành lập các Ủy ban phòng, chống hành vi cản trở luật sư hành nghề…
Sáng sớm ngày 04/11/1989, 06 tín đồ của một giáo phái đã đột nhập vào nhà luật sư Sakamoto Tsutsumi, 31 tuổi (bạn của luật sư Takizawa Hidetoshi) giết chết ông cùng người vợ trẻ và đứa con trai đầu 1 tuổi rồi đem chôn riêng rẽ trong núi tại nhiều tỉnh. Lý do dẫn đến cái chết ấy là do chủ giáo phái cho rằng luật sư Sakamoto đã cản trở hoạt động của giáo phái qua việc nhận lời yêu cầu của cha mẹ những thanh thiếu niên gia nhập giáo phái và đoạn tuyệt với gia đình để thương thuyết với giáo phái này. Tuy nhiên, lúc ấy giới luật sư Nhật Bản vẫn tin rằng luật sư Sakamoto chưa chết và nghi ngờ giáo phái này đã thực hiện tội ác đó nhưng không có chứng cứ. Cảnh sát đã bó tay trong việc điều tra vì giáo phái này phản ứng rằng cảnh sát đàn áp tôn giáo. Tuy nhiên, các luật sư đã triển khai hàng loạt hoạt động trên toàn quốc với chủ đề “hãy sống và trở về” để giải cứu gia đình luật sư Sakamoto.
Sáu năm sau (năm 1995), xảy ra vụ án chất độc Sarin trên tàu điện ngầm và giáo phái này đã bị khám xét. Từ lời khai của các lãnh đạo giáo phái này, đến tháng 9 năm đó, đã tìm ra ba thi thể của gia đình luật sư Sakamoto.
Đến sự ra đời của các Ủy ban phòng chống hành vi cản trở luật sư hành nghề. Trước bạo lực vô cớ, mỗi luật sư hoàn toàn bất lực. Nếu khuất phục trước bạo lực và thay đổi quan điểm thì sẽ đánh mất nhân quyền, lợi ích và sự tin cậy của thân chủ, mất tính nghiêm minh của luật pháp, chính nghĩa xã hội. Không thể để những luật sư làm công việc chân chính bị xâm hại như vậy nữa. Hội luật sư cần có biện pháp giải quyết. Xuất phát từ quan điểm này của nhiều luật sư mà từ năm 1995,1996, JFBA và các Hội luật sư địa phương đã thành lập Ủy ban giải pháp chống cản trở công việc của luật sư. Từ đó, JFBA và các Hội luật sư đã có những giúp đỡ khi thành viên của mình bị cản trở hành nghề luật sư.
Chuyện không của riêng luật sư nào
Mặc dù các Ủy ban phòng, chống hành vi cản trở luật sự hành nghề đã ra đời nhưng vẫn có những luật sư bị gây khó dễ. Có 1 số vụ việc luật sư bị đánh, giết được đăng tải nhưng luật sư khác vẫn “bình chân như vại”, nghĩ chắc mình không bị gì vì có xu hướng cho rằng chỉ có các luật sư tham gia các vụ án đặc biệt như vụ án về các tổ chức tội phạm… thì mới bị tấn công. Nhưng thực tế không phải vậy. Năm 1997, luật sư cố vấn cho một doanh nghiệp đã ký tên trên thông báo sa thải một nhân viên. Trong suốt 15 năm sau đó, người này đã liên tục gây rối luật sư để trả thù, đã đến nơi luật sư hành nghề rút dao đe dọa, gọi điện thoại dọa nạt, kể cả ở trong tù, hung hãn ngay trong đồn cảnh sát. Sau khi ra tù, người này vẫn lởn vởn gần văn phòng luật sư và bị bắt lại, xử có tội. Năm 2004, một nữ luật sư bị chồng của thân chủ mình trong vụ án ly hôn chém vào cằm, gây thương tích và bị đứt dây thần kinh mặt vì không đồng ý làm theo yêu cầu của người chồng là bảo thân chủ mình gọi điện thoại cho người chồng. Một luật sư khác thì bị chính thân chủ đe dọa và cưỡng đoạt 900 triệu yên từ năm 2000 đến năm 2007 vì luật sư đó đã có sai lầm trong xử lý vụ việc. Ban đầu, luật sư đó đã trả tiền một lần cho thân chủ nhưng sau đó, vẫn tiếp tục bị thân chủ này đe dọa ngày càng nhiều hơn. Luật sư này đã không biết trao đổi cùng ai, tiếp tục trả tiền cho thân chủ đó dẫn đến việc kẹt tiền, đã biển thủ 300 triệu yên mà thân chủ khác gửi mình và bị bắt (biển thủ trong công việc, phạt tù 09 năm)…
Qua quá trình theo dõi tình trạng luật sư bị cản trở hành nghề, theo luật sư Shinji Ishikawa- Phó hội trưởng Hội luật sư Aichi cho biết, cơ hội để cho các đối tượng cản trở luật sư khi hành nghề do không thận trọng, dễ dãi tấn công vào tình cảm của đối phương; hay tấn công đối phương; ứng xử không bình tĩnh; không trung thực trong công việc; không có ai để được tư vấn; mới vào nghề, ít kinh nghiệm…
Còn ở Việt Nam thì sao? Trả lời đồng nghiệp Nhật Bản, Trưởng Đoàn công tác- Tiến sĩ- Luật sư Phan Trung Hoài và là Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam từ sáu năm nay cho biết ở Việt Nam, cũng có nhiều vụ việc luật sư bị cản trở hành nghề qua việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe như: Luật sư Trần Hồng Lĩnh ở Hải Phòng bị tạt a xít, tổn hại 95% sức khỏe. Luật sư Phạm Văn Khánh khi hành nghề ở Quảng Trị bị đối phương tấn công phải khâu 20 mũi. Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng ở Hà Nội bị tưới xăng đốt. Ở phía nam có luật sư bị khủng bố bằng vòng hoa, quan tài. Trong 6 năm qua, có trên 200 vụ luật sư phản ánh bị cản trở hành nghề...
Trả lời câu hỏi của luật sư Bùi Đình Sơn là cản trở luật sư hành nghề từ các cơ quan tiến hành tố tụng thì có thuộc phạm vi can thiệp của Ủy ban này không, luật sư Takizawa Hidetoshi cho biết trường hợp này thuộc chức trách, nhiệm vụ của Ủy ban về vấn đề hình sự. Đồng tâm, hợp sức, trí tuệ và cương quyết
Luật sư Takizawa Hidetoshi, luật sư Shinji Ishikawa- Phó hội trưởng Hội luật sư Aichi nhấn mạnh, luật sư Nhật Bản quan niệm cản trở luật sư không phải chỉ là cản trở cá nhân mà là cản trở chính nghề nghiệp luật sư. Do đó, không chỉ cá nhân luật sư mà cả Liên hội và các Hội luật sư phải đồng tâm, hợp sức, trí tuệ và cương quyết tìm biện pháp phòng chống hữu hiệu. Đó cũng là bảo vệ nhân quyền của toàn thể người dân Nhật Bản.
Ngoài việc chia sẻ và tâm đắc với quan điểm này, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng luật sư không bảo vệ được sự an toàn của mình thì làm sao bảo vệ người khác ? Vì vậy, ở Nhật Bản hay ở Việt Nam, Ủy ban phòng, chống hành vi cản trở luật sư hành nghề hay Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư đều có vai trò, nhiệm vụ quan trọng, nặng nề là phải hoàn thành được công việc như tên gọi của Ủy ban. Trong thời gian qua, Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư của Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đã có những đấu tranh tích cực để yêu cầu các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an can thiệp, giải quyết theo thẩm quyết các vụ cản trở quyền hành nghề luật sư. Bộ Công an Việt Nam cũng đã có sự phối hợp, tiếp nhận giải quyết nhiều vụ việc do Liên đoàn chuyển đến. Tuy nhiên, đến nay, một số vụ hành hung, gây trọng thương cho luật sư vẫn chưa điều tra được thủ phạm. Trong những vụ việc luật sư bị cản trở hành nghề, Ủy ban phòng chống hành vi cản trở luật sư hành nghề ở Nhật Bản đã làm thế nào bảo vệ được luật sư không? Trả lời câu hỏi này của luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Shinji Ishikawa- Phó hội trưởng Hội luật sư Aichi cho biết Ủy ban này có 38 ủy viên, tiến hành thu thập, khảo sát, điều tra những vụ việc có luật sư bị cản trở. Hàng tháng, Ủy ban họp và có tổ chức những buổi diễn giảng, giới thiệu những biện pháp phòng chống cản trở luật sư hành nghề. Ví dụ như nhớ khóa cửa, kể cả ban ngày. Nguyên tắc hoạt động của Ủy ban là miễn phí, kêu gọi các luật sư tham gia Ủy ban (trừ luật sư đã bị kỷ luật), bảo vệ bí mật công việc của Ủy ban trong thời gian tham dự và cả sau này. Điều quan trọng là cần có sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ với cảnh sát. Có thể kể đến một số tình huống luật sư bị cản trở hành nghề và đã được hỗ trợ như sau: Trường hợp luật sư bị chính thân chủ đe dọa, tống tiền vì những sai sót trong xử lý vụ việc thì cần nhờ Hội luật sư can thiệp, chứ không nên im lặng, âm thầm chịu đựng một mình sẽ dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Khi đó, Ủy ban sẽ cử luật sư hỗ trợ, thường là 4-5 người với hình thức liên danh 4-5 luật sư này thành đại diện của luật sư bị cản trở. Các luật sư hỗ trợ viết thư cảnh cáo gửi đối phương để họ hiểu rằng việc này không chỉ cá nhân mà cả Hội luật sư đứng ra phòng chống hành vi sai trái này. Thực tế, đã có những người dừng việc cản trở này. Tuy nhiên một số trường hợp khác, người cản trở không dừng lại. Lúc đó Hội luật sư yêu cầu Tòa án ra quyết định yêu cầu họ không được gặp luật sư bị cản trở nữa (không được điện thoại, gửi mail, đòi gặp mặt…). Tòa án sẽ xét yêu cầu của các luật sư hỗ trợ đưa ra, xem có thiệt hại gì xảy ra không, có triển vọng gì tiếp tục không. Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ yêu cầu người cản trở trình diện và phải chấp hành theo yêu cầu của Tòa án. Trường hợp luật sư bị cản trở hành nghề từ đối phương, như khi nhận xử lý hòa giải ly hôn từ người vợ, người chồng dọa giết luật sư thì khi luật sư nạn nhân thông tin, yêu cầu Hội luật sư hỗ trợ thì sẽ cử luật sư hỗ trợ trở thành đại diện pháp lý của người vợ bên cạnh luật sư nạn nhân. Luật sư hỗ trợ vừa giúp luật sư nạn nhân, vừa giúp người vợ. Tuy nhiên, vì vụ việc này đã qua bước hòa giải nên luật sư hỗ trợ yêu cầu Tòa án có biện pháp ngay với người cản trở mà không gửi thư cảnh cáo người cản trở. Trường hợp luật sư được chỉ định bào chữa cho bị cáo bị các đối tượng liên quan đến bị cáo nhiều lần gọi điện thoại hay xông vào văn phòng luật sư đe dọa thì các luật sư hỗ trợ đi tới và tham dự phiên tòa để người cản trở biết có nhiều luật sư tham gia, nhờ đó thiệt hại do cản trở giảm đi. Có một số luật sư thường tự ái cao, sợ mọi người biết lỗi, sai lầm của mình nên có tâm lý nhịn để thân chủ lợi dụng điểm yếu của mình để đe dọa, tống tiền. Tuy nhiên có khi người luật sư đó không biết hỏi ý kiến ai? Vì vậy, Hội luật sư cần chủ động hỏi thăm hội viên nhiều hơn. Ở tỉnh Ai chi không có nhiều luật sư bị cản trở nhờ Hội giúp đỡ. Tuy nhiên Ủy ban này của Hội luật sư Aichi thấy nên quảng bá về vai trò của mình nhiều hơn qua việc đăng tin trên bản tin hàng tháng của Hội. Bên cạnh đó, Hội cũng kêu gọi các luật sư nên thắt chặt thêm quan hệ đồng nghiệp. Luật sư Shinji Ishikawa chia sẻ thêm kinh nghiệm. Còn luật sư Takizawa Hidetoshi nhấn mạnh là JFBA và các Hội luật sư cần tăng cường giúp hội viên của mình nâng cao nhận thức, hành động về việc phòng, chống cản trở luật sư hành nghề. Một trong những giải pháp tăng cường hoạt động này là sự phối hợp với cảnh sát. Một cá nhân luật sư bị bạo lực mà xin ý kiến, nhờ cảnh sát thì họ chưa hay chậm “động đậy” nhưng khi JFBA, Hội luật sư nhờ can thiệp thì cảnh sát sẽ “ nhúc nhích”. Luật sư Takizawa Hidetoshi cho biết Hội luật sư Tokyo có 50 ủy viên trong Ủy ban chống cản trở công việc của luật sư. Khi luật sư bị cản trở thì điện thoại, viết đơn ngắn gọn qua fax. Người của Ủy ban này liên lạc với Chủ nhiệm Ủy ban để chọn người phụ trách từ 5 tổ của Ủy ban để giao công việc. Người phụ trách sẽ liên lạc ngay với luật sư bị cản trở (nạn nhân) để nghe trình bày và định hướng giải quyết và có khi cùng nạn nhân đến đồn cảnh sát yêu cầu bảo vệ an ninh. Có những trường hợp Ủy ban làm văn bản bản cảnh cáo gửi đến người cản trở luật sư. Có trường hợp Ủy ban gửi đơn đến tòa án yêu cầu can thiệp. Trước đây, cảnh sát ít quan tâm đến các vụ việc luật sư bị cản trở hành nghề, nay đã quan tâm nhiều hơn do hội luật sư có sự phối hợp tốt với cảnh sát.
“Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Dựa vào sức mạnh tập thể để đấu tranh phòng chống hành vi cản trở luật sư thì Nhật Bản và Việt Nam đều cùng chung mối quan tâm này. Vấn đề là những ngày đầu năm đến với đất nước mặt trời mọc, Đoàn công tác đã học hỏi, chia sẻ thêm được nhiều kinh nghiệm với đồng nghiệp trong khu vực để có thể vận dụng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Comments