top of page

Ghi chép từ chuyến đi của LĐLSVN tham dự khóa đào tạo tại Nhật Bản từ ngày 17/01 - 27/01/2016(KỲ IV)

Writer's picture: LiendoanLuatsuVietnamLiendoanLuatsuVietnam

ĐẾN VỚI ĐỒNG NGHIỆP ĐẤT NƯỚC MẶT TRỜI MỌC

Nét văn hóa Nhật Bản
Nét văn hóa Nhật Bản

Kỳ IV: Thủ tục hình sự và người bào chữa tại Nhật Bản

Phiên tòa bị cáo ngồi cạnh luật sư, ngang hàng với công tố viên

13 giờ 20 phút ngày 21/01/2016, Đoàn công tác đến Tòa án tỉnh Aichi đặt tại Nagoya tham dự phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử một nữ bị cáo bị công tố viên truy tố tội trộm cắp dầu gội đầu trong một siêu thị. Trước đó một ngày, luật sư Tsukahara Masanori đã có những giải thích sơ lược về thủ tục hình sự của Nhật Bản cho Đoàn công tác biết.

Tuy bị cáo trộm cắp tài sản có giá trị nhỏ nhưng do trước đó từng bị Tòa án xử phạt tiền cũng về tội trộm cắp nên lần này phải do Tòa án tỉnh Aichi xét xử sơ thẩm. Gần đến giờ khai mạc phiên tòa, công tố viên vào phòng xử án theo cửa chung với mọi người. Nữ bị cáo tại ngoại cùng với luật sư của mình và người bảo lãnh (mẹ ruột) cũng đi vào cửa chung này (trường hợp bị tạm giam thì bị cáo phải đi bằng cửa riêng).

Đoàn công tác VBF thảo luận tại phiên họp tổng kết chuyến công tác
Đoàn công tác VBF thảo luận tại phiên họp tổng kết chuyến công tác

Phòng xử án được bố trí đơn giản nhưng trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa công tố viên và luật sư. Phía trên của phòng xử án, nơi cao nhất là chỗ ngồi của một thẩm phán (nếu là vụ án đơn giản, tội nhẹ) hoặc ba thẩm phán và 06 tòa án viên là những công dân bình thường, không phải là chuyên gia pháp luật, được lấy từ việc bốc thăm ngẫu nhiên, danh sách này không công khai, không biết nhau (đối với vụ án phức tạp, tội nặng như giết người, cướp, gây thương tích dẫn đến chết, hiếp dâm tới chết, đốt nhà người khác...). Chính giữa bàn dài của thẩm phán hoặc hội đồng xét xử là cuốn sách pháp luật toàn thư rất dày.

Thấp hơn và ngay chính giữa phòng xử án là chỗ ngồi của Thư ký tòa án, mặt hướng về phía dưới để tiếp nhận các tài liệu, thông tin do luật sư, công tố viên và những người tham gia tố tụng khác đưa để trình cho thẩm phán hoặc hội đồng xét xử. Cạnh chỗ ngồi của thư ký, bên tay trái là chỗ của người phiên dịch. Tiếp đó là chỗ ngồi của công tố viên, ngang hàng và đối diện với chỗ ngồi của luật sư. Phía trước và thấp hơn bàn của luật sư là băng ghế ngồi của bị cáo, hướng mặt đối diện công tố viên. Tuy nhiên, điều khá đặc biệt trong vụ án này là ngay từ khi bước vào phòng xử án, bị cáo được ngồi chung bàn với luật sư, ngang hàng và đối diện với công tố viên. Sau khi được luật sư trao đổi, bị cáo M đã không còn lộ vẻ sợ sệt, lúng túng. Luật sư và công tố viên đã trao đổi chứng cứ, tài liệu cho nhau. Nhân chứng là mẹ của bị cáo M cũng đã ngồi ở hàng phía dưới, chung với những người tham dự phiên tòa nhưng ở góc bên phải luật sư.

Khi tiếng chuông reo, Thẩm phán Niwa Toshisiko - tuổi trung niên, có gương mặt phúc hậu nhưng ánh mắt cương nghị bước ra từ cánh cửa đằng sau chỗ ngồi của mình, gật đầu chào mọi người trong phòng xử án. Bước vào thủ tục mở đầu, thẩm phán gọi bị cáo ra đứng ở chỗ khai báo để thẩm tra về nhân thân, trước khi công tố viên đứng lên đọc cáo trạng. Tiếp đó, thẩm phán thông báo cho bị cáo biết quyền im lặng và hỏi hành vi của bị cáo có giống cáo trạng nêu không ? Bị cáo trả lời là có và nhận tội. Thẩm phán cũng đã hỏi ý kiến của luật sư và luật sư nhất trí với việc trả lời của bị cáo, không có ý kiến khác. Mặc dù vậy, theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Nhật Bản, vẫn phải qua xét hỏi, chứng minh.

Bước qua thủ tục về chứng cứ thì khác với Việt Nam, thẩm phán, hội đồng xét xử ở Nhật Bản không được biết trước về chứng cứ của vụ án mà qua thẩm vấn, tranh tụng của luật sư và công tố viên thì mới biết và phán quyết bị cáo có tội hay không, nếu có tội thì quyết định hình phạt. Do đó, thẩm phán tập trung lắng nghe và chỉ hỏi khi thật cần thiết về những vấn đề chưa được luật sư và công tố viên làm rõ. Trong trường hợp thẩm phán phải hỏi thêm thì xem như luật sư và công tố viên chưa làm tốt vai trò của mình- một điều không bên nào muốn cả. Đây là vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, bị cáo đã nhận tội và trước đó, luật sư và công tố viên đã trao cho nhau và đồng ý về những chứng cứ đó. Vì vậy, hai bên không có sự cọ xát, đối đầu nhau về chứng cứ. Khi luật sư đồng ý với chứng cứ do công tố viên đưa ra thì thẩm phán yêu cầu trình bày nội dung chứng cứ đó rồi nộp cho tòa án. Nếu trường hợp luật sư không đồng ý với chứng cứ do công tố viên đưa ra thì công tố viên không trình được chứng cứ đó cho thẩm phán mà sẽ phải theo thủ tục khác. Tuy nhiên, luật sư phải nêu lý do vì sao không đồng ý.

Công tố viên đã trình bày một loạt chứng cứ buộc tội bị cáo (như biên bản hiện trường, lời khai của người bảo vệ siêu thị, biên bản ghi lời khai của bị cáo...) và đưa cho thư ký để trình thẩm phán. Về phía luật sư cũng đã đưa ra các chứng cứ để xin giảm trách nhiệm hình sự cho bị cáo (bản khai nhận tội, hai thư xin lỗi siêu thị của bị cáo, văn bản của người mẹ hứa giám sát bị cáo bằng cách ở chung với bị cáo), đưa cho thư ký để trình thẩm phán, đồng thời cũng đưa cho công tố viên.

Về thủ tục tranh tụng, công tố viên khi luận tội đã xác định bị cáo trộm cắp tại siêu thị có tính toán trước, trả tiền chuối nhưng lại trộm dầu gội đầu, còn luật sư cho rằng do bị cáo mất ngủ nên tinh thần không ổn định, không ý thức được việc đã quên trả tiền do vội vàng chuẩn bị đi phỏng vấn tìm việc làm, nhưng do tiếc tiền xe nên đã không trả tiền chai dầu gội đầu.

Sau khi nghe các bên tranh biện, cho bị cáo nói lời cuối cùng thì thẩm phán đã tuyên án ngay là bị cáo phạm tội trộm cắp theo Điều 235 Bộ luật Hình sự Nhật Bản và bị phạt tù lao động một năm, hoãn thi hành án ba năm.


Đường hầm xuyên dưới chân thành phố ra Cảng Tokyo
Đường hầm xuyên dưới chân thành phố ra Cảng Tokyo

Tòa án tỉnh Aichi đặt tại Nagoya đã dành cho Đoàn công tác một bất ngờ. Sau khi kết thúc phiên tòa, thẩm phán Niwa Toshihiko đã có cuộc giao lưu ngắn với Đoàn công tác. Khác với sự cương nghị lúc xét xử, giờ đây ông cười thật tươi và nói chuyện thật cởi mở, nhẹ nhàng. Thẩm phán Niwa Toshihiko cho biết đã 23 năm làm thẩm phán. Ông đã giải thích thêm quá trình xét xử vụ án này và nhấn mạnh việc xét xử vừa chính xác, vừa nhanh chóng sẽ mang lại ích lợi cho bị cáo. Vì vụ án này đơn giản, các bên đã thừa nhận các chứng cứ của nhau nên Ông tuyên án ngay sau khi nghe các bên đưa chứng cứ và tranh biện, mà không để lại những ngày sau mới tuyên án như các vụ án phức tạp khác. Xét xử nhanh chóng như vậy, theo thẩm phán Niwa Toshihiko là nhờ năng lực làm việc từ nhiều phía, có đóng góp không nhỏ của luật sư, công tố viên đã làm việc với nhau trước về chứng cứ.

Trả lời câu hỏi của thành viên trong Đoàn về trang phục của thẩm phán các cấp ở Nhật Bản có khác nhau không, thẩm phán Niwa Toshihiko cho biết tất cả trang phục thẩm phán đều giống nhau, là áo choàng đen. Đồng phục này của thẩm phán Nhật Bản có từ năm 1945 và màu đen của trang phục tượng trưng cho sự công bằng, ngay thằng, không bị nhuộm bởi các màu khác và không bị phai. Trả lời câu hỏi của luật sư Nguyễn Bảo Trâm là phiên tòa hôm nay có được ghi âm, ghi hình không, thẩm phán Niwa Toshihiko cho biết chỉ ghi âm, mà không ghi hình.

Mặc dù đang chuẩn bị cho một phiên họp, Chánh án Tòa án tỉnh Aichi - ông Hashimoto Masae vẫn dành một khoảng thời gian ngắn để chào đón Đoàn công tác. Luật sư Trần Văn Sáu bày tỏ sự tâm đắc khi thấy bị cáo được ngồi chung bàn với luật sư, ngang hàng và đối diện công tố viên nên đã hỏi có phải pháp luật cho phép như vậy không. Ngài Hashimoto Masae cho biết việc quyết định cho bị cáo ngồi chung như vậy hay là ngồi ở băng ghế bị cáo là do thẩm phán xét xử vụ án này toàn quyền quyết định. Sau này, luật sư Tsukahara Masanori giải thích thêm là việc thẩm phán cho bị cáo ngồi bên cạnh luật sư không có nghĩa là tội nhẹ hơn mà thể hiện ý nghĩa bình đẳng với công tố viên cho đến trước khi có bản án.

Một góc Tokyo
Một góc Tokyo

Quyền được gặp gỡ, trao đổi thư tín của nghi phạm, bị can, bị cáo

Vào lúc 13 giờ ngày 22/01/2016, sau hơn một tiếng về lại Tokyo, ăn trưa và nghỉ, Đoàn công tác tiếp tục được nghe luật sư Akamatsu Norio - Phó chủ nhiệm, thành viên Ủy ban thẩm tra đối với kiểm sát, người đã 40 năm hành nghề luật sư trình bày chuyên đề thủ tục hình sự và người bào chữa. Theo đó, chế định bào chữa ở Nhật Bản trên cơ sở Hiến pháp 1947 và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Luật sư Nhật Bản tự hào về chế định bào chữa rất tiến bộ, nhờ có sự cố gắng đấu tranh không mệt mỏi của giới luật sư về những hành vi hay những quy định ngăn cản quyền bào chữa và nhờ luật sư bào chữa của nghi phạm, bị can, bị cáo.


Đoàn công tác VBF thăm Hãng luật MHM lớn nhất Nhật Bản với hơn 380 luật sư thành viên
Đoàn công tác VBF thăm Hãng luật MHM lớn nhất Nhật Bản với hơn 380 luật sư thành viên

Ở Nhật Bản quyền được gặp gỡ, trao đổi thư tín của nghi phạm, bị can, bị cáo là  quyền rất quan trọng, thông qua đó họ nhận được sự hỗ trợ của luật sư. Từ năm 1948, luật sư gặp gỡ họ theo sự quản lý của cảnh sát, nhưng do phát sinh những cản trở, gây khó khăn cho luật sư từ phía cảnh sát, dẫn đến khiếu nại, đấu tranh gay gắt của luật sư. Đến năm 1965, đã hình thành chế độ bồi thường nhà nước bằng thủ tục tố tụng Dân sự. Vì vậy, có những luật sư đã chọn xử lý theo cách này để đấu tranh nhằm thực hiện quyền được gặp gỡ, trao đổi thư tín của nghi phạm, bị can, bị cáo. Đến năm 2008, Bộ Tư pháp và Cảnh sát đã có nhiều thông tư về việc thực hiện quyền này. Theo đó, nghi phạm, bị can, bị cáo có quyền tự do gặp gỡ, trao đổi thư tín với luật sư. Từ năm 1990, Liên hội luật sư Nhật Bản cũng đã phát hành sổ tay nghi phạm để thân chủ ghi chép về tình hình thẩm vấn. Sổ tay này, nghi phạm, bị can, bị cáo giữ để ghi chép mà không đưa cho cảnh sát. Tại phiên tòa, lời khai của họ cộng thêm sổ tay này sẽ là cơ sở để xem xét, đánh giá cảnh sát có lấy lời khai của họ trong tình trạng tự nguyện, minh mẫn, khách quan, đúng pháp luật hay không?

Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch VBF, Trường Đoàn công tác VBF tại Nhật Bản
Luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch VBF, Trường Đoàn công tác VBF tại Nhật Bản

Chia sẻ lại thông tin với luật sư Akamatsu Norio, luật sư Phan Trung Hoài cho biết nhiều năm qua, giới luật sư Việt Nam nỗ lực đấu tranh bằng trải nghiệm của mình, từ đó đóng góp ý kiến trong việc hoàn thiện pháp luật về luật sư nói chung và chế định bào chữa trong tố tụng hình sự nói riêng. Lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 quy định quyền bào chữa của người bị tình nghi là quyền con người, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 xác định các nguyên tắc tiến bộ là bảo đảm quyền bào chữa, nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Nhiều quy định mới đã được ghi nhận như luật sư Việt Nam đã được tiếp xúc sớm hơn với người bị tình nghi, trước khi bị khởi tố, được gặp theo trình tự riêng với bị can trong giai  đoạn điều tra. Khi một người bị bắt, Cơ quan điều tra phải thông báo cho người đó quyền tự bào chữa và nhờ luật sư, người khác bào chữa. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cũng đã được bỏ. Luật sư có quyền thu thập và đánh giá chứng cứ…

Đoàn Công tác VBF chụp ảnh lưu niệm với Liên Hội Luật sư Nhật Bản và JICA
Đoàn Công tác VBF chụp ảnh lưu niệm với Liên Hội Luật sư Nhật Bản và JICA

Như nhiều luật sư khác trong Đoàn công tác, khi chứng kiến phiên tòa mà bị cáo được ngồi sát bên luật sư, thoạt đầu lo lắng, sợ sệt, lúng túng nhưng sau đó đã bình tĩnh tĩnh, hành xử sáng suốt hơn, tôi cảm nhận và tâm đắc hơn sứ mệnh của luật sư là bảo vệ quyền cơ bản của con người - cho dù đó là nghi phạm, bị can, bị cáo và góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội, cũng như phải nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đó. Việc bị cáo được ngồi bên cạnh luật sư trong những lúc bi kịch, khó khăn nhất trong cuộc đời, được nâng đỡ động viên họ hãy trở lại làm người tốt, cho một xã hội tốt đẹp hơn; còn nếu họ phạm tội thì hãy tin tưởng vào công lý và luật pháp sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình…

16 views0 comments

Comments


bottom of page