ĐẾN VỚI ĐỒNG NGHIỆP ĐẤT NƯỚC MẶT TRỜI MỌC
Kỳ cuối: Tâm trạng ngày về…
·
Chút tâm tình…
Chuyến đi nào cũng phải có điểm dừng và khóa học nào cũng đến ngày kết thúc. Sáng ngày 25/01/2016, khi chuẩn bị cho buổi làm việc cuối cùng, mỗi thành viên trong Đoàn công tác sẽ phát biểu ý kiến, thu hoạch và nhận giấy chứng nhận của khóa học từ đại diện JICA, ai cũng ở trong tâm trạng khó tả. Mừng vì ngày trở về quê hương đã gần kề nhưng cũng đầy sự quyến luyến, lòng man mác buồn vì sắp chia tay những đồng nghiệp rất nhiệt tình, trách nhiệm mà mình có dịp quen biết, sinh hoạt chung những ngày qua nơi đất nước mặt trời mọc. Phát biểu ý kiến về khóa học, luật sư Nguyễn Minh Tâm nói: “Trong những ngày qua, chúng tôi đã học tập, nghiên cứu cật lực 15 chuyên đề với đầy sự say mê. Bên cạnh việc tiếp thu những thông tin, kiến thức về pháp luật và thực tế hoạt động của tổ chức luật sư Nhật Bản thì việc tham quan Văn phòng luật sư Mori Hamada & Matsumoto (lớn nhất Nhật Bản, với 380 luật sư, có chi nhánh tại những thành phố lớn trong, ngoài nước) và Văn phòng luật sư Commons Vaseda (27 luật sư) đã giúp Đoàn công tác biết có thêm thông tin về quản trị văn phòng để nghiên cứu. Thật xúc động và cảm ơn tấm chân tình của Liên hội luật sư Nhật Bản đối với luật sư Việt Nam nói chung và Đoàn công tác nói riêng. Thành viên Đoàn công tác đã phản ánh về chuyến công tác này trên trang web của Liên đoàn luật sư Việt Nam để các đồng nghiệp Việt Nam biết”.
Nói về công tác chuẩn bị cho khóa học, luật sư Nguyễn Bảo Trâm đã cảm ơn các đồng nghiệp Nhật Bản và JICA đã rất chu đáo, công phu, kỹ lưỡng, không chỉ về chương trình học mà về thủ tục pháp lý sang Nhật Bản, bảo hiểm sức khỏe, chăm sóc ăn ở, đi lại và các lưu ý cần thiết để thích ứng với cuộc sống xa nhà trong thời gian học.
Cũng như các thành viên khác của Đoàn công tác, luật sư Nguyễn Văn Dương đến từ Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang đã tâm đắc nhiều điều qua khóa học này, các bài giảng đều có giá trị trong việc sử dụng, nghiên cứu, tham khảo… Trong thời gian tới, theo luật sư Dương, sẽ đề nghị Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam nghiên cứu xem xét thêm việc hợp nhất thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và Thẻ luật sư chung một đầu mối của Liên đoàn để thuận tiện cho việc xét cấp tư cách hàng nghề của luật sư. Riêng tài liệu giới thiệu về luật sư và nghề luật sư của Hội luật sư Aichi biên soạn, phát hành đến cộng đồng dân cư, luật sư Trần Thị Kim Lân đến từ Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Kạn bày tỏ sự ấn tượng đặc biệt…
Thay mặt cho Đoàn công tác, TS.LS. Phan Trung Hoài chia sẻ ý kiến của từng thành viên của Đoàn và gửi lời cảm ơn trân trọng đến Liên hội luật sư Nhật Bản (JFBA), Hội luật sư Aichi, JICA đã tổ chức khóa đào tạo cho Đoàn công tác với chất lượng cao và với tất cả sự nhiệt tình, tâm huyết của mình. Theo luật sư Phan Trung Hoài, hoạt động của luật sư Nhật Bản là mô hình mà luật sư Việt Nam có thể tham khảo vì hai nước có điều kiện gần gũi về văn hóa và nhiều mặt khác. Để có thể phát triển như luật sư Nhật Bản, cần tích lũy thời gian dài, học hỏi kinh nghiệm nước bạn và không ngừng hoàn thiện pháp luật về luật sư, điều lệ, nội quy và các quy định nội bộ khác. Từ hơn 65 năm qua, JFBA và các Hội luật sư ở Nhật Bản đã tự trị, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hoạt động luật sư và là địa chỉ tin cậy của giới luật sư, cũng như cộng đồng xã hội. Huy hiệu hoa hướng dương như ý nghĩa của loài hoa ấy (và mặt sau có in mã số của từng người) đeo trên áo người luật sư Nhật Bản là uy tín, hình ảnh, niềm tự hào, là chỉ dấu về luật sư và tổ chức luật sư mà người dân Nhật Bản dễ nhận biết. Để có thể tạo dựng, duy trì và nâng cao sự tự trị, uy tín, hình ảnh, niềm tự hào đó thì mỗi luật sư cần luôn trau dồi tố chất, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức. Uy tín của mỗi luật sư đến lượt mình là sự cộng hưởng đến uy tín của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư. Làm được điều đó không đơn giản, đòi hỏi JFBA, các Hội luật sư và từng thành viên đấu tranh không mệt mỏi và đã đấu tranh để có được vai trò, vị trí, lực lượng khoảng 37.000 luật sư như ngày hôm nay. Đoàn công tác sẽ báo cáo đến Liên đoàn luật sư Việt Nam những bài học rút ra từ khóa đào tạo và khảo sát thực tế này, có thể nghiên cứu, áp dụng những điểm phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.
Tâm tình lại, các luật sư: Toyama, Naito, Irie - đại diện JFBA chia sẻ những vất vả và nỗ lực của thành viên Đoàn công tác trong việc học tập thông tầm cả ngày trong nhiều ngày liên tục, hầu như không nghỉ trưa, thời gian giải lao sau mỗi chuyên đề chỉ vài phút. Với mong muốn trong một thời gian ngắn nhưng chia sẻ được nhiều thông tin, kinh nghiệm cho Đoàn công tác nên Ban tổ chức đã thiết kế chương trình học tập sít sao đến vậy. Luật sư Toyama chia sẻ thêm là năm 1949, khi thành lập JFBA và tiến tới thành lập các Hội luật sư những năm sau đó, tổ chức và luật sư Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn, bị cản trở và xa lạ trong tâm trí của không ít người dân Nhật Bản. Thế nhưng bằng sự quyết tâm không kêu rên, than vãn mà nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi trong việc xây dựng uy tín, hình ảnh, tổ chức và luật sư Nhật Bản đã phát triển. Để trở thành tổ chức tự trị đúng nghĩa, được nhà nước, xã hội công nhận, tổ chức luật sư Nhật Bản đã có những quy định nội bộ đề cao kỷ cương, kỷ luật. Hiện nay, cuốn sách về Điều lệ và nội quy của JFBA là 1033 trang nhưng 25 năm trước, số trang chỉ bằng 1/3 bây giờ, còn cẩm nang cho luật sư hiện là 138 trang. Đây là kết quả của sự tự hoàn thiện trong giới luật sư Nhật Bản trong thời gian dài. Hy vọng là những năm tới đây, các quy định điều chỉnh hoạt động của tổ chức và luật sư Việt Nam cũng sẽ được hoàn thiện nhiều hơn để trở thành một trong những nền tảng cho sự cất cánh nhanh hơn của luật sư Việt Nam.
Và còn bao điều muốn nói
Vậy là giờ chia tay đã gần kề, nhưng mỗi thành viên Đoàn công tác vẫn thấy còn nhiều điều cần nhớ lại về những chuyên đề mới lạ hoặc có nhiều khác biệt với Việt Nam đã được đồng nghiệp Nhật Bản chia sẻ. Chế độ kỷ luật luật sư, một trong bốn nội dung cụ thể của sự tự trị của tổ chức luật sư Nhật Bản là chuyên đề được trình bày nhiều trong khóa học. Trước chiến tranh thế giới thứ II, nhà nước Nhật Bản từng nắm giữ quyền giám sát các luật sư, tuy nhiên, sau năm 1949 thì sự tự quản của luật sư nơi đây từng bước thực hiện, thể hiện qua nhiều công việc, trong đó có việc xử lý kỷ luật luật sư, được tiến hành bởi Ủy ban kỷ luật của Hội luật sư và chỉ khi Ủy ban kỷ luật của JFBA đã giải quyết khiếu nại mà luật sư bị kỷ luật thấy chưa thỏa đáng thì mới khởi kiện yêu cầu hủy bỏ tại Tòa án tối cao Tokyo.
Khi vi phạm Luật Luật sư hoặc điều lệ của JFBA hay điều lệ của Hội luật sư mà luật sư đó trực thuộc, làm tổn hại đến trật tự hay uy tín của Hội luật sư, hoặc khi có những hành vi sai trái làm mất phẩm hạnh, bất kể trong hay ngoài công việc thì tùy mức độ vi phạm mà luật sư vi phạm sẽ phải chịu hình thức xử lý kỷ luật: Cảnh cáo (yêu cầu luật sư kiểm điểm), đình chỉ nghiệp vụ trong hai năm trở lại, buộc rời khỏi Hội luật sư (không còn được hành nghề luật sư nhưng không mất điều kiện trở thành luật sư) hay khai trừ (không còn được hành nghề luật sư và mất điều kiện trở thành luật sư trong ba năm). Trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, các trường hợp khác sẽ thông báo đến Tòa án, Viện công tố, đăng bố cáo trên tờ báo “Tự do và công lý” của Văn phòng Thủ tướng và JFBA. Ủy ban kỷ luật là một tổ chức nằm trong Hội luật sư nhưng độc lập với Ban lãnh đạo gồm có nhiều thành viên, trong đó có hơn một nửa là luật sư và gần một nửa là những người khác (thẩm phán, công tố viên, chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm…) nhằm tránh tình trạng các luật sư bao che lẫn nhau sẽ xem xét và quyết định về việc kỷ luật luật sư trên cơ sở điều tra sơ bộ và ý kiến của Ủy ban kỷ cương.
Bên cạnh đó, Đoàn công tác cũng rất ấn tượng với chuyên đề về chế độ tra cứu của Hội luật sư. Theo đó, căn cứ vào Luật Luật sư, Hội luật sư sẽ căn cứ vào sứ mệnh của luật sư là bảo vệ nhân quyền cơ bản và thực hiện chính nghĩa xã hội để hỗ trợ các luật sư thu thập chứng cứ từ các cơ quan công hay các tổ chức công tư nhằm góp phần phát hiện sự thật và đánh giá đúng đắn. Việc này đã được thực hiện từ năm 1951, khi có đơn của luật sư đề nghị Hội luật sư thu thập chứng cứ thì sau khi xem xét thấy đề nghị này hợp lý, Hội sẽ xem xét và thực hiện. Với chế độ này, luật sư có thể thu thập chứng cứ mà không bị đương sự bên kia biết, có thể sử dụng ngay từ giai đoạn chưa khởi kiện, trong đàm phán hòa giải, không chỉ sử dụng trong các vụ việc dân sự, gia đình mà còn trong các vụ việc hình sự hay phá sản. Luật Luật sư không có quy định nghĩa vụ phải trả lời (báo cáo), không quy định phạt khi các cơ quan trên không trả lời cho Hội luật sư. Tuy nhiên trước thực tế Hội luật sư khởi kiện các cơ quan, tổ chức không trả lời tại Tòa án thì có nhiều án lệ cho rằng các cơ quan, tổ chức này có nghĩa vụ theo công luật phải trả lời cho Hội luật sư, trừ khi có lý do chính đáng (lợi ích được bảo hộ lớn hơn lợi ích thu được nhờ báo cáo). Về phía luật sư khi nhận được trả lời phải chú ý nghiêm ngặt trong việc sử dụng giấy trả lời và không được công khai cho bên thứ ba nếu không có lý do. Ngoài ra, còn nhiều chuyên đề khác mà thành viên Đoàn công tác thấy bổ ích và cần suy nghĩ nhiều hơn để có những kiến nghị trong tương lai cho phù hợp với Việt Nam, chẳng hạn như việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích của luật sư. Theo đó, vào năm 1872, luật pháp Nhật Bản không quy định chứng chỉ cần thiết cho những người hành nghề dịch v5u pháp lý, nên nhiều người không có chứng chỉ này đã can thiệp bất hợp lý vào tố tụng và đàm phán để trục lợi, gây ra nhiều hệ lụy. Trải qua đấu tranh hơn 60 năm, đến năm 1933, pháp luật Nhật Bản đã cấm người không là luật sư hành nghề nhằm mục đích nhận thù lao để xử lý các vấn đề làm phát sinh, thay đổi, bảo toàn hay làm rõ hiệu lực pháp lý liên quan tới “các vụ việc hầu như không thể tránh khỏi phát sinh tranh chấp luật pháp nếu không được giải quyết trong đàm phán” hoặc giới thiệu các vụ việc đó. Người vi phạm quy định này (tức hoạt động luật sư lậu) thì theo Điều 72 Luật Luật sư, bị phạt tù tới hai năm hoặc bị phạt tiền tới ba triệu yên, trừ trường hợp luật định khác. Sự thay đổi này của pháp luật Nhật Bản xuất phát từ lợi ích và sự an toàn chính đáng của người dân là chỉ những luật sư đã được trui rèn về đạo đức pháp lý và đào tạo kỹ năng, chuyên môn nghề nghiệp mới được phép thực hiện các công việc của pháp lý liên quan đến các vụ việc pháp lý với mục đích bảo vệ nhân quyền cơ bản và chính nghĩa xã hội. “Đồng nghiệp ơi, trong trái tim tôi…” Chia tay các đồng nghiệp Nhật Bản, Đoàn công tác đến sân bay quốc tế Narita ở Tokyo gần lúc hoàng hôn ngày 26/01/2016. Ngay sau đó, các thành viên Đoàn công tác lại chia tay nhau đi về hai hướng trở về Việt Nam. Nhóm phía bắc khởi hành lúc 18 giờ 30 phút cùng ngày trên chuyến bay của hãng Japan Airlines, nhóm phía nam khởi hành sau đó 30 phút trên chuyến đi Vietnam Airlines. Dù trên hai chiếc máy bay khác nhau nhưng khi càng xa dần đất bạn để trở về đất nước mình, trong trái tim nhiều thành viên Đoàn công tác đong đầy cảm xúc, tâm trạng. Nôn nao, hồi hộp, lâng lâng vì sắp về đến quê nhà, nhưng cũng bâng khuâng, quyến luyến vì xa rồi nơi ấy. Có những điều bên lề khóa học mà nhớ mãi. Hơn nửa năm qua, một số luật sư của Hội luật sư Aichi, JFBA đã giành nhiều thời gian chọn lọc từ hệ thống pháp luật, án lệ, quy định của tổ chức luật sư Nhật Bản và thực tiễn, có nhiều trao đổi qua lại với JICA, Liên đoàn luật sư Việt Nam để xây dựng những tài liệu, bài giảng phục vụ cho khóa học của Đoàn công tác. Hay là chuyện có những luật sư ở Nhật Bản làm việc đến 1, 2 giờ sáng mới rời văn phòng là chuyện bình thường, chỉ hai ngày cuối tuần dành cho nghỉ ngơi, nhưng một số luật sư vẫn nhiệt tình làm cộng tác viên hướng dẫn Đoàn công tác đi thăm quan một số nơi như: Chợ cá Tsukiji ở Tokyo (chợ cá lớn nhất thế giới, đã 80 năm tuổi, cung cấp trên 200 tấn hải sản một ngày, với điểm nhấn là các phiên đấu giá cá ngừ đầu năm và sắp đóng cửa vào mùa xuân năm nay để chuyển đến Toyosu), đến viếng chùa Sensoji, một ngôi chùa Phật giáo cổ nhất (xây dựng năm 645), nơi thờ phượng Phật Quan Âm Bồ Tát, mang đầy màu sắc huyền thoại ở Asakusa, nằm xen kẽ giữa các tòa cao ốc chọc trời, thể hiện sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa niềm tin tín ngưỡng và hiện thực cuộc sống thường ngày.
Không chỉ lập kế hoạch chi tiết về chương trình học mà trong việc đưa Đoàn công tác đi tham quan những nơi trên, đồng nghiệp Nhật Bản cũng lập kế hoạch chi tiết từ mấy giờ đến mấy giờ ra ga tàu điện ngầm, đi qua những ga nào để đến những nơi tham quan trên, phân công ai mua vé, ai đi đầu, đi giữa, đi cuối để hướng dẫn Đoàn công tác tham quan… Làm sao quên được những phút giây mà ánh mắt, nụ cười của đồng nghiệp Nhật Bản toát lên sự vui sướng khi thấy thành viên Đoàn công tác chia sẻ những nét đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử của nơi đến tham quan, cũng như ánh mắt, gương mặt ấy một thoáng lo lắng, tính toán để làm sao bảo đảm cho 15 thành viên Đoàn công tác không ai bị lạc trong dòng người rất đông đúc, bởi nếu bị lạc thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đường về nơi ở khi hệ thống tàu điện ngầm rất phức tạp... Trong giờ làm việc với các thành viên Đoàn công tác, các luật sư Nhật Bản rất nghiêm túc, kỷ luật, hết mình, luôn đến trước giờ đứng lớp 15 phút, nghỉ đúng giờ, cúi người chào hỏi với sự tôn trọng thật sự. Ngoài giờ làm việc, các luật sư Nhật Bản cũng giao lưu cởi mở, hết mình với Đoàn công tác. “Mỹ Hà. Mỹ Hà”. Luật sư Myha quay lại ngay lập tức và cười thích thú khi các thành viên Đoàn công tác gọi cô bằng tên Việt Nam như vậy. “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động. Làm sao em biết bia đá không đau. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Để người phiêu lãng quên mình lãng du”… Các luật sư Nhật Bản phụ họa nho nhỏ theo giọng ca của một thành viên trong Đoàn hát bài “Diễm xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bữa cơm tối. Không những thế, các thành viên Đoàn công tác và đồng nghiệp Nhật Bản- luật sư Tsukahara Manasori thay phiên nhau dìu luật sư Trần Văn Sáu bị đau chân đi về nơi ở vì đi bộ nhiều và bị thấp khớp cấp vì quá lạnh. Những hình ảnh đầm ấm, chan hòa tình cảm cùng biết bao ấn tượng, kỷ niệm khác giữa các thành viên Đoàn công tác với những đồng nghiệp Nhật Bản, giữa các thành viên Đoàn công tác với nhau… Ngồi trên chuyến bay ngược gió từ Narita về Tân Sơn Nhất, phải transit tại Taipei để tiếp thêm nhiên liệu, trong đầu tôi dường như hiện lên câu hát: “Đồng nghiệp ơi, tôi nhớ, không quên! Đồng nghiệp ơi, trong trái tim tôi…!”.
Comments