top of page

Cảm nhận về chuyến học tập tại Nhật Bản (từ ngày 04 - 13/12/2016)

Writer's picture: LiendoanLuatsuVietnamLiendoanLuatsuVietnam

Căn cứ vào Quyết định số 144/LĐLS ngày 28 tháng 10 năm 2016 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tôi được tham gia Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự khóa đào tạo tại Nhật Bản trong khuôn khổ Dự án JICA về “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới 2020”.


Một góc Nhật Bản (Ảnh Hoàng Nam)
Một góc Nhật Bản (Ảnh Hoàng Nam)

Quá trình tham gia đoàn, cũng như trong thời gian học tập ở Nhật Bản, tôi đã thu nhận được kết quả như sau:


Đây là Đoàn công tác có số lượng thành viên đông (21 người) lại xuất phát từ hai địa điểm (sân bay) khác nhau, nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo và trách nhiệm cao của Thường trực Liên đoàn nên từ lúc đi đến lúc về an toàn, thành công tốt đẹp, không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc.


Trước hết, về công tác chuẩn bị của Ủy ban Hợp tác quốc tế, của JICA và của Thường trực Liên đoàn cho chuyến đi này là rất chu đáo, tỷ mỉ. Ủy ban Hợp tác quốc tế thường xuyên, kịp thời gửi cho các thành viên của Đoàn các thông tin cần thiết như: Các quyết định của Liên đoàn, Giấy mời của JICA và các thông báo cần thiết cho một chuyến đi.


Công tác lãnh đạo, phân công của Thường trực Liên đoàn trước, trong và sau chuyến đi rất chi tiết, tỉ mỉ và khoa học.


Về cá nhân tôi, tuy đây là lần thứ hai đi công tác ở Nhật Bản, nhưng lần thứ nhất vào năm 2001 với tư cách là thành viên của Tòa án Nhân dân tối cao, còn lần này với tư cách là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên mọi việc đối với tôi đều mới mẻ. Mặt khác, bản thân do tuổi tác đã cao, sức khỏe có hạn chế nhất là chuyến đi lại vào mùa đông, khí hậu lạnh. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian học tập cũng như khi về nước an toàn.


Trong chuyến đi Nhật Bản lần này, với nội dung, chương trình học tập do Liên đoàn cùng với JICA dự kiến, tôi thấy rất phù hợp cho công tác hành nghề luật sư nói chung và công tác quản lý luật sư của Liên đoàn và các Đoàn luật sư các tỉnh, thành nói riêng. Qua chuyến đi học tập này, tôi hiểu thêm được nhiều điều mà trước đây mình chưa biết về tổ chức, quản lý và hành nghề luật sư của thế giới nói chung và của Nhật Bản nói riêng.


Sau chuyên đi, tôi cảm nhận được rất nhiều điều bổ ích và có thể áp dụng vào công tác tổ chức, quản lý luật sư ở Việt Nam, cụ thể như sau:


1. Về tổ chức: Nói chung tuy ở Nhật Bản và Việt Nam có hai chính thể khác nhau, pháp luật khác nhau nhưng có nhiều điểm tương đồng là đều nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, nhất là đối với những phạm tội.


Chúng ta có thể học bạn về cơ cấu tổ chức của Liên đoàn (Nhật Bản gọi là Hội Luật sư). Người đứng đầu là Hội trưởng, còn các Phó Hội trưởng chỉ là người giúp việc theo sự phân công của Hội trưởng; ở địa phương cũng được tổ chức thành các Hội/Đoàn tùy thuộc vào số lượng luật sư nhưng đều dưới sự quản lý, lãnh đạo của Trung ương. Đặc biệt, nội dung của chương trình lần này là tìm hiểu hệ thống cấu trúc tổ chức và vận hành của JFBA cùng các Thường trực, Ban thường vụ và các Uỷ ban liên quan, mối quan hệ với các Đoàn Luật sư địa phương.


Tuy ở Nhật Bản và Việt Nam, chế độ chính trị cũng như hệ thống pháp luật khác nhau, nhưng ở Nhật Bản lại có Luật về Luật sư nên việc tổ chức và quản lý của Hội Luật sư từ Trung ương xuống địa phương đều theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, ở các thành phố lớn của Nhật Bản không có một Hội/Đoàn mà có nhiều Hội/Đoàn như: Tại Tokyo có đến 3 Hội/Đoàn. Đây là điểm mà chúng ta nên học tập; thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không nên tổ chức thành một Đoàn, vì quá đông, vừa khó quản lý, điều hành, mà nên thành lập nhiều đoàn, mỗi Đoàn khoảng 500 luật sư, các Đoàn này đều dưới sự quản lý Nhà nước của Sở Tư pháp, không có gì trái luật và Hiến pháp. Các đoàn khác nếu có trên 500 luật sư thì có thể tách ra làm hai, ba Đoàn. Đây là vấn đề mà tôi rất tâm đắc và có thể áp dụng được ở Việt Nam. Tuy nhiên, để học tập mô hình này, thì cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư.


2. Đối với lãnh đạo của Hội/Đoàn ở Trung ương cũng như địa phương chúng ta có thể học tập được ngay mà không cần phải sửa Luật, đó là các Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm nên dành nhiều thời gian cho công tác quản lý; không phân biệt “chuyên trách” hay không chuyên trách. Có như vậy, mới bảo đảm sự lãnh đạo của Liên đoàn và các Đoàn Luật sư và cũng là thể hiện nguyên tắc công bằng.


3. Một điều tôi rất tâm đắc và có thể ở Việt Nam học tập được ngay, đó là chế độ luật sư “trực ban”. Tôi đồng ý với ý kiến của Chủ tịch Liên đoàn Đỗ Ngọc Thịnh là sau khi về nước, trước mắt ta nên tổ chức ở một số địa phương, nhưng tôi đề nghị là ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố trực thuộc Trung ương nên làm trước, vì ở các thành phố này vừa đông luật sư lại vừa có nhiều vụ án hình sự mà rất cần thiết phải có luật sư cho người bị tạm giữ, tạm giam. Việc chọn địa phương nào tổ chức chế độ trực ban sẽ do Ban Thường vụ Liên đoàn quyết định theo đề nghị của Thường trực Liên đoàn.


4. Cuối cùng là cảm nhận của tôi về đất nước, con người cũng như tinh thần làm việc của người Nhật Bản xin đúc kết lại 10 từ sau: Nhiệt tình, thân thiện, trách nhiệm, chu đáo và kỷ luật.


Luật sư Đinh Văn Quế, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn


3 views0 comments

Comentarios


bottom of page