Sáng ngày 14/10/2016, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về mô hình đối tác công – tư (PPP) do Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức. Tới dự và chủ trì hội thảo có LS Trần Tuấn Phong - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam; thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ có LS Trần Anh Đức và LS Vũ Dũng; Ông Adam Moncrieff - Luật sư điều hành, Công ty Luật Allen & Overy; LS Lê Bá Thành Chung - Công ty Luật Allens; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn,... đại diện các doanh nghiệp và đông đảo các luật sư tham gia.
Như một hoạt động thường kỳ của Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Câu lạc bộ là tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm chuyên đề,... về các chủ đề thương mại, đầu tư và kinh doanh và giữ vai trò là một diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm hành nghề pháp luật. Mô hình đối tác công – tư (PPP) được kỳ vọng như “một cây đũa thần” trong việc thu hút, huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
LS Trần Tuấn Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ và luật sư sáng lập, Công ty luật VILAF-Hồng Đức, mở đầu hội thảo với phần giới thiệu về sự ra đời và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách về hợp tác công – tư của Việt Nam từ nền kinh tế mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài cho đến nay. Việt Nam có nhu cầu phát triển các hệ thống cơ sở hạ tầng với số vốn đầu tư lớn, dự tính 150 tỷ đô la Mỹ đến năm 2020, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các ngân hàng và các tổ chức phát triển quốc tế. Việt Nam có lợi thế về ổn định chính trị, tuy nhiên gặp nhiều thách thức trong việc chuẩn bị và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, chậm thực hiện dự án. Chính phủ cũng đang tìm kiếm và hoàn thiện dự án, các hỗ trợ của Nhà nước và mức bảo lãnh của Chính phủ.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Adam Moncrieff – Luật sư điều hành, Công ty Luật Allen & Overy, đã trình bày các vấn đề của dự án và các cấu trúc dự án để phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác công tư, các kinh nghiệm quốc tế. Ông cho biết, ở Việt Nam khuôn khổ pháp lý và bài toán chia sẻ rủi ro hợp tác công tư mới chỉ được hình thành và có thể đoán định trong lĩnh vực điện lực. Các lĩnh vực cơ sở hạ tầng khác còn đang trong giai đoạn sơ khai ban đầu trong việc hình thành khuôn khổ pháp lý phát triển thị trường về hợp tác công – tư. Các nước Asean đã mở rộng phạm vi tiếp cận, thu hút đầu tư và tạo thuận lợi cho việc triển khai cũng như cấp vốn phát triển các dự án cơ sở hạ tầng theo mô hình đối tác công tư. Ở Việt Nam, việc Chính phủ giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án đối tác công tư thì dễ dàng, song khâu giải phóng mặt bàng thì rất phức tạp gây khó khăn cho các nhà đầu tư…
Các luật sư và đại diện các cơ quan nhà nước tham gia tọa đàm đã chia sẻ về các cơ hội đầu tư PPP, các vấn đề pháp ;ý của dự án PPP, các bài học rút ra, các dự án thành công và thất bại.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, LS Lê Bá Thành Chung – Công ty luật Allens, Chi nhánh Hà Nội đã sơ lược về bảo lãnh Chính phủ cho các dự án hạ tầng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữ Chính phủ với các nhà đầu tư để giảm thiểu rủi ro quốc gia và pháp lý cho dự án, cần ghi nhận xá ưu đãi đầu tư chẳng hạn chế độ thuế đặc biệt, miễn tiền thuê đất, cung cấp cơ sở hạ tầng… Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện cụ thể về tài trọ dự án như: cấp giấy phép, đăng ký khoản vay, ký hợp đồng trực tiếp với các bên cho vay…
Khi đàm phán bảo lãnh giữa các nhà đầu tư và Chính phủ, cần cam kết không để xảy ra quốc hữu hóa, nếu quốc hữu hóa xảy ra thì Chính phủ phải bồi thường cho nhà đầu tư được quy định bằng số tiền đầu tư hoặc số tiền vay hoặc dựa trên một số công thức để tính ra một số tiền phù hợp hơn. Trên thực tế, Chính phủ thường không muốn quy định số tiền bồi thường cụ thể khi dự án chưa được xây dựng và chi phí, lợi ích từ việc quốc hữu hóa chưa rõ ràng – LS Lê Bá Thành Chung cho biết thêm.
Cũng trong buổi hội thảo, có một số ý kiến cho rằng: pháp luật, cơ chế của Việt Nam chưa rõ ràng hay những quy định chưa tương thích với thông lệ quốc tế để phát triển cơ sở hạ tầng, chính vì vậy chúng ta cần có những cơ chế pháp lý để cơ quan có thẩm quyền đại diện cho Nhà nước đưa ra ý kiến về việc giải thích và áp dụng luật đói với các vấn đề chưa rõ ràng và đang gây khó khăn vướng mắc cho việc thực hiện các dự án PPP.
Phát biểu bế mạc hội thảo, LS Trần Tuấn Phong – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam gửi lời cảm ơn đến các vị đại biểu, các luật sư đồng nghiệp đã tham gia rất nhiệt tình trong cuộc hội thảo và khẳng định Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối giữa luật sư và doanh nghiệp; kết nối luật sư với các cơ quan nhà nước về lĩnh vực chính sách và pháp luật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam./.
Đoàn Vĩnh
Comments