top of page

Bài phát biểu tại MTTQVN về tư vấn giải quyết, khiếu nại của LS. TS. Đỗ Ngọc Thịnh

Writer's picture: LiendoanLuatsuVietnamLiendoanLuatsuVietnam

Kính thưa: Đồng chí Nguyễn Văn Pha – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo về giám sát và tư vấn pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Kính thưa: Các quý vị đại biểu và các luật sư đồng nghiệp. Thực hiện Quy chế phối hợp số 01 giữa Mặt trận tổ quốc Việt Nam với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam về việc giám sát và tư vấn giải quyết khiếu nại. Hôm nay, Liên đoàn luật sư Việt Nam triển khai công tác này theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ cử luật sư tham gia tư vấn giải quyết khiếu nại tại Văn phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ. Thay mặt Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam, chúng tôi xin cảm ơn Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã chủ trì chỉ đạo việc thực hiện những hoạt động về giám sát và tư vấn pháp luật giải quyết việc khiếu nại của nhân dân. Cảm ơn Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn luật sư Việt Nam trong công tác này. Đặc biệt chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của các luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã đăng ký tham gia đợt 1 vào hoạt động do Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phủ chủ trì, chỉ đạo. Xin nhiệt liệt hoan nghênh các luật sư và chúc cho các luật sư làm thật tốt công tác này để thể hiện trách nhiệm với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phủ nhưng ý nghĩa lớn lao hơn là đội ngũ luật sư có trách nhiệm phục vụ cộng đồng, phục vụ nhân dân, tư vấn pháp lý miễn phí với chất lượng như việc cung cấp dịch vụ pháp lý khác.

Trước khi triển khai các hoạt động này, tôi đề nghị các luật sư lưu ý một số việc sau:

1. Đối tượng trợ giúp pháp lý thường là những cá nhân, công dân có những khiếu nại về quyền và lợi ích của họ mà đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết nhưng họ không đồng ý với những kết quả giải quyết đó, vụ việc thường được giải quyết qua nhiều cấp, thời gian kéo dài, tính chất vụ việc là phức tạp, không đơn thuần là một quan hệ pháp lý hành chính, dân sự, đất đai hay các quan hệ pháp lý nào đó, có thể một vụ việc có tới 2,3 quan hệ pháp lý đan xen.

2. Khi tiến hành trợ giúp pháp lý cần phải lưu ý việc lắng nghe, biết lắng nghe thấu đáo những kiến nghị và ý kiến của các đối tượng được trợ giúp pháp lý trước khi tư vấn và giải thích pháp luật cho họ.

3. Lắng nghe ý kiến và yêu cầu của các đối tượng trợ giúp pháp lý để có thể hiểu được bản chất của vụ việc và hiểu được đầy đủ các quan hệ pháp lý của họ đã tham gia, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp lý đó, sau đó mới có thể tư vấn pháp luật cho họ.

4. Nếu chưa nắm chắc 02 yêu cầu cơ bản trên thì rất thận trọng tư vấn pháp luật cho họ.

5. Khi tư vấn pháp luật cho các đối tượng nêu trên cần có các căn cứ pháp luật, do đó rất cần phải mang theo những văn bản pháp luật (hoặc truy cập trên mạng cho chính xác).

6. Cần thiết lập sự tin cậy của các đối tượng được tư vấn với đội ngũ luật sư Việt Nam với từng luật sư cụ thể, tránh những sự hiểu lầm không đáng có của khách hàng với luật sư về chuyên môn, về đạo đức nghề nghiệp.

7. Đối với những vấn đề khó và phức tạp, luật sư tư vấn có thể tư vấn từng vấn đề, từng phần cụ thể, không tư vấn những vấn đề chưa hiểu rõ bản chất vụ việc và chưa nắm chắc những vấn đề pháp lý.

8. Luật sư thực hiện đầy đủ các quy chế của phòng tiếp dân về giải quyết khiếu nại của Trung ương, từ việc ghi chép vụ việc vào sổ, đề xuất, kiến nghị, tư vấn cụ thể cho dân. Mỗi luật sư cần thể hiện trách nhiệm trong việc đóng góp trợ giúp pháp lý do Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phú chủ trì và thể hiện năng lực của đội ngũ luật sư, ý thức trách nhiệm phục vụ cộng đồng xã hội.

9. Sau khi tham gia vào hoạt động tư vấn pháp luật - trợ giúp pháp lý do Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Thanh tra Chính phủ chủ trì, các luật sư có thể gửi những ý kiến đóng góp về Liên đoàn luật sư Việt Nam để có thể rút kinh nghiệm cho hoạt động này và ghi nhận được những kết quả các luật sư đã đóng góp.

10. Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam trong công tác giám sát và tư vấn pháp luật giải quyết khiếu nại để có thể khẳng định vị trí, vai trò của Liên đoàn luật sư Việt Nam, đội ngũ luật sư Việt Nam trong hoạt động có ý nghĩa xã hội rộng lớn này.

11. Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ dự kiến phân công các luật sư tham gia vào việc trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ theo ngày tháng trực cụ thể dự kiến bắt đầu triển khai từ 13/7/2015. Đề nghị các luật sư được phân công theo lịch sắp xếp công việc tham gia đúng lịch (ngày, giờ đã được phân công).

12. Đây là lần đầu tiên đội ngũ luật sư của Liên đoàn luật sư Việt Nam tham gia vào hoạt động này, Liên đoàn luật sư Việt Nam đề nghị các luật sư tham gia với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao để giữ uy tín cho Liên đoàn và cho đội ngũ luật sư. Sau đợt 1 này Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ cùng Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ rút kinh nghiệm để các đợt tiếp theo các luật sư tham gia sẽ đóng góp ngày càng chất lượng và hiệu quả.

Thay mặt Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam, chúng tôi chúc các luật sư đồng nghiệp và quý vị đại biểu sức khỏe, thành công.

Trân trọng cảm ơn.

9 views0 comments

Comments


bottom of page