Kính thưa Ban Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam, Kính thưa LS Nguyễn Văn Trung – Phó Chủ tịch Liên đoàn, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh Kính thưa các luật sư trong Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Thưa các luật sư đồng nghiệp tham dự hội nghị hôm nay, Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần II và triển khai Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam đề xuất buổi làm việc với Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh để trao đổi và thảo luận về một số nội dung hai bên cùng quan tâm sẽ triển khai hoạt động trong thời gian tới. Thay mặt Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam, chúng tôi xin cảm ơn Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã giành thời gian tiếp và làm việc với đoàn công tác. Thường trực Liên đoàn đề xuất 04 nội dung sẽ làm việc với Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đi vào từng nội dung cụ thể như sau: 1. Về việc thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư theo quy định của Luật Luật sư, Thông tư số 10/2014-TT-BTP và công văn số 35/LĐLSVN ngày 12/2/2015 của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Theo đó mỗi luật sư sẽ phải tham gia bồi dưỡng bắt buộc 16h / 01 năm. Đoàn luật sư là một trong những tổ chức chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện công tác này. Chúng tôi đề nghị Đoàn luật sư một số nội dung sau: 1.1. Xây dựng kế hoạch để triển khai công tác này trong năm 2015 để đảm bảo cho các luật sư tham gia bồi dưỡng theo quy định của pháp luật. 1.2. Phối hợp với các tổ chức hành nghề luật sư đủ điều kiện cùng tham gia bồi dưỡng luật sư để có thể hoàn thành được các mục tiêu về số lượng, chất lượng bồi dưỡng. 1.3. Công tác bồi dưỡng luật sư cần gắn với hoạt động truyền thông để động viên và yêu cầu các luật sư tham gia nghiêm túc, đầy đủ, có chất lượng. Thông qua công tác này các cơ quan quản lý nhà nước từ Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh có thể tin tưởng vào công tác bồi dưỡng luật sư đó là những biện pháp nhằm từng bước nâng cao chất lượng đồng đều cho đội ngũ luật sư (đặc biệt là các luật sư trẻ mới vào nghề, luật sư chuyển từ nghề khác vào nghề luật sư). Thông qua công tác này, đội ngũ luật sư thành phố Hồ Chí Minh sẽ khẳng định với các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội về một đội ngũ luật sư được đào tạo, bồi dưỡng căn bản, được tổ chức tương đối chặt chẽ trong một tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín để đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. 1.4. Vào cuối năm 2015, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng luật sư và đề ra phương hướng cho năm tiếp theo. 1.5. Muốn vậy, chúng tôi đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư cần củng cố một bộ máy chuyên trách, bán chuyên trách để triển khai, kiểm tra, đôn đốc, giám sát công tác này và một trong những vấn đề quan trọng là cần lựa chọn ra được một đội ngũ giáo viên luật sư giàu kinh nghiệm, có uy tín để tham gia vào hưỡng dẫn, trao đổi nghiệp vụ luật sư. Tạo sự tin cậy và thiết thực từ chính đội ngũ luật sư sẽ tham gia bồi dưỡng. 1.6. Để hoàn thành được quy định của Thông tư số 10/TT-BTP là mỗi luật sư sẽ tham gia bồi dưỡng 16h/01 năm với số lượng gần 4000 luật sư của Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh là việc khó, phức tạp rất cần sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Ban Chủ nhiệm, sự hưởng ứng tham gia của đội ngũ luật sư đặc biệt là những luật sư có uy tín, giữ vai trò hướng dẫn bồi dưỡng luật sư. Về phía Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ sẵn sàng phối hợp với Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trong trách nhiệm và khả năng để cùng đóng góp vào công tác đó. 2. Về công tác trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Luật sư và Quyết định số 93/QĐ-BTV của Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam, Thường trực Liên đoàn xin nêu một số ý kiến như sau: 2.1. Theo các quy định nêu trên thì mỗi một luật sư tham gia trợ giúp pháp lý là 8h/năm. Để triển khai việc này, đề nghị Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để hưởng ứng kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9/1945 – 02/9/2015, Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10/10/1945 – 10/10/2015 và hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam 09/11 hàng năm. 2.2. Đoàn luật sư nên có văn bản thông báo cho các cấp chính quyền địa phương, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, hưởng ứng và tham gia vào sự kiện đó. Đồng thời thông báo cho các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư hưởng ứng hoạt động trợ giúp pháp lý do Đoàn luật sư phát động. 2.3. Ngoài các ngày trợ giúp pháp lý mà Liên đoàn đã gợi ý với Đoàn luật sư phát động về trợ giúp pháp lý đã nêu bên trên thì Đoàn luật sư cũng nên tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư tham gia vào nhiều hình thức trợ giúp pháp lý khác nhau như thông qua các vụ việc, vụ án mà luật sư tư vấn hoặc tranh tụng, họ có thể trợ giúp pháp lý một phần hay toàn bộ vụ việc. Do vậy, khi tổ chức hành nghề, các luật sư báo cáo kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý đó cho Đoàn luật sư thì Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có thể kiểm tra lại thông qua việc xác nhận của khách hàng. Đoàn luật sư sẽ ghi nhận và công nhận việc trợ giúp pháp lý của luật sư theo quy định của Luật Luật sư. Cần đa dạng hóa các hình thức trợ giúp pháp lý để động viên đội ngũ luật sư đóng góp vào công việc chung của xã hội, nâng cao trách nhiệm ý thức của luật sư trong việc phục vụ cộng đồng xã hội. 2.4. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư cũng cần tổ chức một bộ máy chuyên trách, bán chuyên trách để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cho hoạt động đó có hiệu quả. Công tác này cũng cần phải có tổng kết thông qua việc thông báo, báo cáo Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm. 3. Về những nội dung khác Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam khóa II mong muốn nhận được sự đóng góp, góp ý của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng kỷ luật, đội ngũ luật sư Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh về tổ chức và hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam nhiệm kỳ II, xin gợi ý mấy điểm sau: - Thứ nhất: Liên đoàn luật sư Việt Nam cần tổ chức như thế nào để có thể huy động phối hợp được các Đoàn luật sư, tạo cơ hội cho đội ngũ luật sư cùng tham gia vào các hoạt động chung của Liên đoàn. Qua đó, có thể đoàn kết được đội ngũ luật sư, hỗ trợ phối hợp được với các hoạt động của Đoàn luật sư. Thông qua các hoạt động đó có thể nhận diện được những tồn tại, hạn chế qua mô hình tổ chức hiện nay, nhận diện được những vấn đề này để có thể có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. - Thứ hai: trong năm 2015 và cả nhiệm kỳ II của Liên đoàn luật sư Việt Nam những nhiệm vụ nào là nhiệm vụ quan trọng, những nhiệm vụ nào là trọng tâm cần phải được xác định. Trong các nhiệm vụ đó, nhiệm vụ nào sẽ có vai trò đột phá để xây dựng, phát triển về số lượng, chất lượng đội ngũ luật sư. Qua đó, có thể củng cố niềm tin của chính đội ngũ luật sư, niềm tin của Đảng, nhà nước, các cấp chính quyền vào Liên đoàn luật sư Việt Nam, vào Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. - Thứ ba: sự phối hợp của Liên đoàn luật sư Việt Nam với Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thì cần tập trung vào nhiệm vụ nào, nội dung nào, cách thức phối hợp như thế nào cho có hiệu quả, thiết thực. Kính thưa hội nghị, phía trước Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều việc phải làm để phát triển luật sư và nghề luật sư, trách nhiệm đó được đặt lên vai Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Thường trực Liên đoàn, Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và cả đội ngũ luật sư. Đội ngũ luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước họ đang dõi theo, quan sát những hoạt động và trông chờ kết quả làm việc của các cơ quan, tổ chức, các nhân luật sư được giao trọng trách của Đoàn luật sư và của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Sau 01 năm nữa và sau một nhiệm kỳ đội ngũ luật sư, cộng đồng xã hội và các cấp chính quyền họ sẽ thừa nhận hoặc không thừa nhận về những hoạt động và kết quả đã được triển khai. Chúng tôi hy vọng và mong muốn nhiệm kỳ II của Liên đoàn luật sư Việt Nam và nhiệm kỳ 2013-2018 của Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của nhiệm kỳ trước và phấn đấu trong nhiệm kỳ mới có những kết quả cao và để lại những dấu ấn tốt đẹp, với những thành tích thực sự, những đóng góp tự nguyện, tâm huyết, trách nhiệm của mỗi luật sư ở các vị trí khác nhau đã nhận trọng trách với Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam. Xin chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công tới các quý vị đại biểu, chúc hội nghị kết quả thành công. Trân trong cảm ơn.
top of page
bottom of page
Comments