top of page

Bài phát biểu của LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch LĐLSVN – tại buổi làm việc với ĐLS TPHN

Writer's picture: LiendoanLuatsuVietnamLiendoanLuatsuVietnam

Kính thưa các luật sư trong Ban Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam, 

Kính thưa LS Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội,

Kính thưa các luật sư trong Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Thưa các luật sư đồng nghiệp tham dự hội nghị hôm nay,

Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam đề nghị với Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội về buổi làm việc giữa Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số Uỷ ban đơn vị trực thuộc Liên đoàn với Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỉ luật Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội vào ngày hôm nay 12/5/2015. Trước tiên thay mặt Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam chúng tôi xin cảm ơn Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỉ luật – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội đã dành thời gian làm việc, trao đổi về những nội dung được Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam đã đề xuất và những vấn đề liên quan khác mà hai bên cùng quan tâm để có thể phối hợp công tác hoạt động trong thời gian tới được chặt chẽ, hiệu quả hơn. Kính thưa hội nghị, Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam nhiệm kỳ I đã dự kiến kế hoạch làm việc với 02 Đoàn luật sư lớn trong cả nước đó là Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội và Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh từ cuối năm 2014 nhưng do công tác tổ chức Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II chậm hơn so với dự kiến kế hoạch ban đầu. Do đó, cho đến ngày hôm nay Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam khoá II mới bố trí và đề xuất buổi làm việc với Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. Sau đó, sẽ rút kinh nghiệm và làm việc với Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và một số Đoàn luật sư khác trong cả nước. Kết quả các buổi làm việc đó sẽ được báo cáo Ban Thường vụ Liên đoàn và Hội đồng luật sư toàn quốc để có thể tổng kết, trao đổi kinh nghiệm và khả năng phối hợp giữa Liên đoàn luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư trong cả nước. Từ đó có thể triển khai các công tác và hoạt động của Liên đoàn luật sư Việt Nam trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Vì vậy, chúng tôi cho rằng buổi làm việc ngày hôm nay giữa Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn mới về sự phối hợp giữa Liên đoàn luật sư Việt Nam với Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội và các Đoàn luật sư trong cả nước. Đi vào cụ thể từng vấn đề được đề cập trong buổi làm việc hôm nay, chúng tôi xin gợi ý một số nội dung sau: 1.     Vấn đề thứ nhất: Thực hiện Luật Luật sư, Thông tư số 10/2014/TT- BTP  quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã có Công văn số 35/LĐLSVN ngày 12 tháng 02 năm 2015 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ của luật sư. Trong đó xác định trách nhiệm của Liên đoàn luật sư Việt Nam là chịu trách nhiệm về chất lượng bồi dưỡng luật sư của Liên đoàn, chuẩn bị nội dung tài liệu kế hoạch bồi dưỡng hàng năm phối hợp hỗ trợ cho các Đoàn luật sư trong công tác bồi dưỡng luật sư, giám sát đôn đốc công công tác bồi dưỡng luật sư theo quy định của pháp luật.  * Trách nhiệm của Đoàn luật sư (Theo Thông tư số 10/2014/TT-BTP và Công văn số 35/LĐLSVN: - Tổ chức thực hiện các lớp bồi dưỡng luật sư. - Cùng với Liên đoàn luật sư Việt Nam quyết định cho các tổ chức hành nghề luật sư tổ chức các lớp bồi dưỡng luật sư. - Cấp giấy chứng nhận cho luật sư tham gia bồi dưỡng Như vậy, theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Liên đoàn thì các Đoàn luật sư đóng vai trò chính, quan trọng trong công tác bồi dưỡng luật sư theo quy định. Vậy Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp như thế nào? Chúng tôi xin ý kiến Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỉ luật – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. Chúng tôi nhận thức rằng để bồi dưỡng 2500 luật sư của Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội (mỗi luật sư 16 giờ trong 1 năm) là một vấn đề khó, phức tạp. Nhưng nếu Đoàn luật sư không chủ động, tích cực triển khai thì sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Đoàn luật sư và ảnh hưởng tới uy tín của cả đội ngũ luật sư, và có thể các cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra và yêu cầu phải thực hiện theo quy định của pháp luật. 2.   Vấn đề thứ hai: Về trợ giúp pháp lý của luật sư được quy định tại Khoản 2 Điều 21, Khoản 10 Điều 65 và Điểm đ Khoản 2 Điều 67 Luật Luật sư. Liên đoàn luật sư Việt Nam đã có Quyết định số 93/QĐ-BTV ban hành quy định thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của luật sư. Theo đó: - Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý ít nhất một ngày làm việc (8 giờ) - Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm:   + Tổ chức cho các luật sư thành viên của Đoàn thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý. + Bồi dưỡng kỹ năng cho luật sư thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý. + Tổng hợp báo cáo về công tác trợ giúp pháp lý cho Liên đoàn luật sư Việt Nam Như vậy: Đoàn luật sư là chủ thể chính trong việc tổ chức cho các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý. Vậy tổ chức trợ giúp pháp lý như thế nào? Chúng tôi đề nghị Đoàn luật sư  nêu ý kiến để Liên đoàn luật sư Việt Nam bàn thêm về sự phối hợp về trong công tác này.  Trong năm 2015, Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2015), kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10/10/1945 – 10/10/2015); hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam 9/11 hàng năm. Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức trợ giúp pháp lý chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc. Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội sẽ là một trong các Đoàn đi đầu làm thật tốt trong vấn đề này. 3.       Về những nội dung khác có liên quan: Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam dự kiến sẽ trình Ban Thường vụ Liên đoàn và Hội đồng luật sư toàn quốc về kế hoạch công tác và nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của Liên đoàn luật sư Việt Nam để có thêm căn cứ và giải pháp thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam rất mong nhận được những ý kiến đóng góp từ phía Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội về những nội dung được nêu trong công văn đề nghị của Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam trong buổi làm việc ngày hôm nay. Kính thưa hội nghị, Một buổi làm việc giữa hai tổ chức ngày hôm nay không thể bàn hết các nội dung về những vấn đề cùng quan tâm, chúng tôi hy vọng buổi làm việc hôm nay là buổi đầu tiên sẽ giúp cho cả hai bên hiểu nhau hơn, nhận thức chung được các vấn đề đang đặt ra với Liên đoàn và với Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cần phải thực hiện. Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội và Liên đoàn luật sư Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới sau Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần II và trong nhiệm kỳ Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội (2013 – 2018), hiện nay, đội ngũ luật sư, cộng đồng xã hội, Đảng, nhà nước và chính quyền Thành phố Hà Nội đang quan sát, mong đợi các luật sư giữ các trọng trách của Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư hoạt động đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển luật sư, phát triển nghề luật sư ở nước ta và Thủ đô Hà Nội Năm 2015, Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cũng như các Đoàn luật sư trong cả nước có thể xây dựng củng cố và tạo lập được sự tin cậy của chính đội ngũ luật sư vào ngôi nhà chung của Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội không? Tạo lập được sự tin cậy của Đảng, nhà nước vào một bộ máy làm việc hiệu quả, trách nhiệm không? Các luật sư giữ các trọng trách của Đoàn và Liên đoàn có thể cống hiến vì sự nghiệp phát triển đội ngũ luật sư, sự phát triển nghề luật sư như thế nào trong thời gian tới. Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cần phải trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, nhà nước, chính quyền thành phố Hà Nội với đội ngũ luật sư và ngược lại. Phía trước Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội có rất nhiều việc phải triển khai, rất mong các luật sư bằng trách nhiệm, tâm huyết đã nhận được sự tín nhiệm của đội ngũ luật sư sẽ đóng góp vào công việc chung đó. Xin chúc sức khoẻ, hạnh phúc, thành công tới các luật sư đồng nghiệp.

31 views0 comments

Comentários


bottom of page